MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ y tế điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại BV dã chiến ở TP.HCM. Ảnh: Bộ Y tế

Tỉ lệ tử vong do COVID-19 giảm đáng kể, những yếu tố nào quyết định?

Thùy Linh LDO | 05/10/2021 17:16

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 149 ca, giảm hơn nhiều so với những ngày trước đó. 

Tác dụng của tiêm chủng và các mô hình điều trị

Tại TP.HCM - địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 đến nay số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 những ngày gần đây đã có chiều hướng giảm đáng kể. Đơn cử ngày 31.8, TP.HCM ghi nhận 355 ca tử vong. Đến ngày 4.10, số bệnh nhân tử vong giảm còn 93 ca. 

Tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), các bác sĩ vừa tập trung điều trị hồi sức, vừa tập trung phòng vệ từ xa để phát hiện, điều trị người bệnh COVID-19 ngay từ tuyến dưới.

BS Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính (Bệnh viện Phổi Trung ương), Phó Giám đốc trung tâm cho biết, từ khi thành lập trung tâm đến nay, đã có hơn 600 bệnh nhân nặng và nguy kịch được điều trị, trong số đó có khoảng 400 bệnh nhân đã được xuất hiện và trở về bên gia đình. Hiện còn khoảng 117 bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại trung tâm.

Thời gian qua, hơn 170 cán bộ, y bác sĩ của trung tâm đã nỗ lực không ngừng vừa thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, vừa hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho các y, bác sĩ ngay từ các tầng dưới tại tỉnh Đồng Nai.

"Chúng tôi cũng thường xuyên gắn kết giữa các tầng nhằm phát hiện sớm, điều trị đúng và chuyển tuyến kịp thời những trường hợp chuyển biến nặng, tận dụng “cơ hội vàng” để cứu bệnh nhân. Nếu bệnh nhân chuyển biến nặng, hoặc quá nặng nhưng không cấp cứu kịp thời thì cơ hội sống của bệnh nhân sẽ giảm đi. Do đó, phòng vệ từ xa là rất quan trọng”, BS Thành nói. 

Theo Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, một trong những đổi mới trong công tác điều trị đợt dịch thứ tư là đã triển khai mô hình trạm y tế lưu động, quản lý F0 cách ly tại nhà và tại khu cách ly một cách bài bản, giúp chăm sóc, theo dõi, phát các gói thuốc điều trị cho các F0 mới phát hiện; kịp thời phát hiện những chuyển biến nặng của người bệnh để đưa đi điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, trong một thời gian ngắn đã bao phủ được một lượng lớn những người đã được tiêm vaccine mũi 1, có tác dụng bảo vệ người dân rất tốt. Khi đã tiêm được 1 mũi, nếu có bị nhiễm SARS-CoV-2 thì số bệnh nhân chuyển nặng cũng đã ít đi rất nhiều.

Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân ở TPHCM. Ảnh: Bộ Y tế

Những yếu tố then chốt

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn– Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM về phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, có nhiều yếu tố then chốt quyết định tới việc giảm tỉ lệ tử vong trong thời gian gần đây. 

Trước hết, theo Thứ trưởng, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ”, “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của toàn dân”, các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội rất tốt với nhiều biện pháp quyết liệt. 

Bên cạnh đó, chiến dịch xét nghiệm diện rộng đã được thực hiện rất nhanh chóng, kịp thời trong từng thời kỳ, đúng trọng tâm, trọng điểm, cố gắng xét nghiệm phát hiện các trường hợp F0 đi trước sự lây lan của virus.

"Với vùng đỏ, vùng cam chúng ta xét nghiệm 48 giờ/lần và vùng xanh, vùng vàng có thể xét nghiệm mẫu đơn, gộp, phát hiện các trường hợp F0 trong cộng đồng rất cần thiết. Đây là mấu chốt giúp cho tỉ lệ tử vong giảm tại TPHCM và tỉnh, thành phố phía nam trong thời gian qua" - Thứ trưởng cho hay. 

Cùng với đó, trong suốt thời gian qua, các địa phương đã phát hiện sớm F0 bằng các biện pháp xét nghiệm, tổ chức chăm sóc y tế, tổ chức gói an sinh xã hội, gói thuốc cho người bệnh tự theo dõi, điều trị tại nhà.

Đặc biệt, trong công tác điều trị, ngành y tế đã xây dựng mô hình điều trị 3 tầng hiệu quả, có sự liên kết với nhau bao gồm: Các bệnh viện hồi sức tích cực ở tầng 3, các bệnh viện dã chiến ở tầng 2, các đơn vị thu dung tại tầng 1.

“Tại TPHCM, các bệnh viện hồi sức ở tầng 3 có trách nhiệm liên kết với bệnh viện ở tầng dưới tạo nên hệ thống bệnh viện “chị em”, luôn có sự trao đổi, hội chẩn, đào tạo, tập huấn và chi viện kịp thời nhằm phát hiện trường hợp nặng ở tuyến dưới đưa lên tuyến trên, góp phần giảm tỉ lệ tử vong cho TPHCM nói riêng và các tỉnh, thành phía Nam nói chung” - Thứ trưởng cho biết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn