MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ tiêm vaccine đầy đủ phòng được nhiều bệnh. Ảnh: L.H

Tiêm chủng miễn phí: Sẽ phải bồi thường nếu gây tai biến?

Lệ Hà LDO | 28/07/2015 08:41
Người được tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng (miễn phí) sẽ được bồi thường nếu quá trình tiêm có lỗi, để xảy ra tai biến hoặc tai biến do vaccine gây ra... Đây là quy định được đưa ra trong dự thảo Nghị định về hoạt động tiêm chủng đang được Bộ Y tế lấy ý kiến.

Bồi thường do tiêm chủng sai

Lần đầu tiên nội dung bồi thường khi sử dụng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng được đưa vào một văn bản pháp quy ở cấp Nghị định.

Theo GPS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - khi sử dụng vaccine bắt buộc, nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến nặng hoặc thân nhân người bị tai biến nặng. Những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng do nguyên nhân sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vaccine được Nhà nước bồi thường bao gồm: Người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật; Người được tiêm chủng bị tử vong. Mức tính được đưa ra từng trường hợp cụ thể như người có bảo hiểm y tế, người không có bảo hiểm y tế, điều trị tại bệnh viện công lập và ngoài công lập...

Nếu để lại di chứng, người bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ thêm bằng mức lương cơ sở tại thời điểm giải quyết bồi thường nếu bị tổn thương cơ thể 11-15%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 lần mức lương cơ sở nếu bị tổn thương cơ thể từ trên 15% đến 80%. Mức hỗ trợ bằng 30 lần mức lương cơ sở nếu bị tổn thương cơ thể từ 81% trở lên. Đồng thời, được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo mức độ khuyết tật theo quy định hiện hành của pháp luật về người khuyết tật.

Trường hợp tử vong, ngoài chi phí khám-chữa bệnh, thiệt hại vật chất cho người phải nghỉ làm không hưởng lương để chăm sóc, Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm chi phí mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở. Đồng thời, cũng bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại hoặc cho người trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại...

Hiện Nghị định đang được đưa lên mạng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Dự kiến, đầu năm 2016 Nghị định này được thông qua.

Chưa một ca tai biến nào được xác định do vaccine

Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong số 12 loại vaccine đang tiêm chủng cho trẻ em, VN đã sản xuất được 10 loại, trong đó ghi nhận 2 loại vaccine có liên quan nhiều đến tai biến tử vong là vaccine Quinvaxem và viêm gan B.

Ngay với vaccine Quinvaxem, Bộ Y tế cũng luôn khẳng định: Tỉ lệ phản ứng sau tiêm chủng được ghi nhận ở VN thấp hơn so với khuyến cáo.

TS Nguyễn Trần Hiển - nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho biết, theo WHO, tỉ lệ có phản ứng nặng sau tiêm vaccine DPT (ngừa bạch hầu - ho gà - uốn ván) là 20/1 triệu. Trước năm 2010, Chương trình tiêm chủng mở rộng ở VN sử dụng vaccine DPT. So sánh tỉ lệ phản ứng giữa Quinvaxem và DPT trước đó cho thấy, tỉ lệ phản ứng nặng của DTP là 1,03/triệu và tỉ lệ tử vong là 0,6/triệu. Còn với Quinvaxem có phản ứng nặng là 0,69/triệu và tỉ lệ tử vong là 0,17/triệu.

“Sau mỗi ca tử vong sau khi tiêm vaccine, Hội đồng chuyên môn đều được thành lập và xác định ca bệnh tử vong do bệnh nào đó chứ không liên quan đến vaccine. Hầu hết các trường hợp tử vong có liên quan đến tiêm chủng là do sốc phản vệ. Duy nhất, vụ việc 3 trẻ tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) được tìm ra nguyên nhân nhưng lỗi là do nhân viên y tế tiêm nhầm thuốc” - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn