MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiêm ngừa dại gia tăng, bác sĩ khuyến cáo không sử dụng biện pháp dân gian

Phong Linh LDO | 18/03/2024 17:34

Cần Thơ - Theo bác sĩ, việc sử dụng biện pháp dân gian như đắp lá hay lấy nọc chỉ làm vết thương chó, mèo cắn bị nhiễm trùng, thay vào đó, người dân cần đến cơ sở y tế để tiêm ngừa bệnh dại...

Tiêm vaccine dại ở Cần Thơ gia tăng

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại trên cả nước gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023 (10 trường hợp). Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Tại TP Cần thơ, mặc dù không ghi nhận có ca tử vong do bệnh dại nhưng số người đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ tiêm bệnh dại lại gia tăng. Theo đó, trong tháng 1.2024, báo cáo tổng hợp của các đơn vị tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Cần Thơ ghi nhận 1.632 người bị chó, mèo cắn đã đến tiêm vaccine phòng bệnh. So với tháng 1.2023 ghi nhận 1.382 người, tăng 250 người.

Riêng tháng 2, tháng 3, đỉnh điểm có ngày Trung tâm ghi nhận khoảng 100 trường hợp bệnh nhân đến tiêm bệnh dại.

Ông Tiêu Đình Vũ (đeo khẩu trang) chờ tiêm vaccine ngừa bệnh dại tại CDC Cần Thơ. Ảnh: Phong Linh

Bị chó nhà nuôi cắn lần thứ 2 và buộc phải tiêm huyết thanh giúp làm chậm sự lan tỏa virus dại tại CDC Cần Thơ, ông Tiêu Đình Vũ (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) kể lại: "Thấy chó nhà có biểu hiện bất thường, tôi la thì nó quay lại cắn chân tôi. Lần này vết thương sâu và đau hơn lần trước nên tôi nhờ người thân chở vào Trung tâm tiêm vaccine ngay. Sau vụ này, gia đình tôi sẽ quan tâm hơn đến việc nuôi thú cưng, nhất là rọ mõm mỗi khi chở nó ra đường".

Còn em Liên Dương Bảo Nam (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết: "Em sang nhà người thân bắt gà thì bị chó nhà cắn. Ban đầu, em chỉ thấy đau nhưng sau đó thấy nhức và đau đầu nên được người nhà đưa đến tiêm vaccine. Người thân của em cũng khuyên thời tiết nắng nóng đặc biệt chú ý đến chó, mèo để tránh bị cắn nhằm đề phòng bệnh dại".

Bác sĩ tiêm ngừa dại cho em Liên Dương Bảo Nam. Ảnh: Phong Linh

Không sử dụng phương pháp dân gian hay lấy nọc

Trao đổi với Lao Động, bác sĩ Nguyễn Hồng Đoan - CDC TP Cần Thơ) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số lượng tiêm ngừa bệnh dại tại Cần Thơ gia tăng như người dân đến nhà người thân, bạn bè vui chơi vô tình bị chó, mèo cắn; chó, mèo không được rọ mõm kỹ càng; đấu thầu thuốc ở một số trung tâm khác còn chậm nên bệnh nhân đổ lên thành phố tiêm nhiều...

"Có nhiều trường hợp người dân ở vùng sâu, vùng xa đắp lá cây hoặc lấy nọc để ngừa bệnh dại khi bị chó cắn. Tôi đặc biệt khuyến cáo chúng ta không nên thực hiện việc này vì chỉ làm nhiễm trùng vết thương. Thay vào đó, chúng ta nên rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy liên tục khoảng 15 phút, sau đó, sát trùng bằng cồn và đến cơ sở tiêm ngừa.

Về vaccine ngừa dại, Trung tâm cố gắng hoàn thành thủ tục đấu thầu thuốc để cung cấp thuốc cho người dân đến tiêm ngừa. Trường hợp một số ngày hết thuốc, Trung tâm cũng cố gắng đôn đốc để đủ số lượng thuốc cung cấp cho bệnh nhân. Ngoài vaccine dại, các vaccine khác vẫn có đầy đủ để cung cấp cho người dân trên địa bàn", bác sĩ Đoan thông tin.

CDC Cần Thơ đảm bảo cung ứng vaccine ngừa dại cho người dân. Ảnh: Phong Linh

Được biết, bên cạnh tham mưu Sở Y tế phê duyệt kế hoạch triển khai phòng, chống bệnh dại năm 2024 trên địa bàn thành phố, CDC Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ thực hiện kế hoạch tuyên truyền, tập huấn phòng, chống bệnh dại và tăng cường quản lý đàn chó, mèo nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh trên địa bàn. Để phòng bệnh dại cho cộng đồng, chó, mèo nuôi bắt buộc phải tiêm phòng dại đúng lịch, đủ liều, có sổ theo dõi; cần quản lý (rọ mõm khi đi ra ngoài); xích, không thả rông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn