MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi. Ảnh: LĐO

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em cần cân nhắc

Lệ Hà LDO | 21/10/2021 16:09

Lộ trình tiêm phòng cho trẻ em cần được tính toán thật kỹ. Ngoài ra, việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em cần cân nhắc thận trọng.

Bộ Y tế đã có văn bản về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Theo đó, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em 12 - 17 tuổi sẽ thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi một từ tháng 10 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, với biến chủng COVID-19 trước đây thì tỉ lệ trở nặng không nhiều nhưng với biến chủng Delta thì tuổi trẻ vẫn có tình trạng nặng và dẫn đến tử vong.

Trong số các ca COVID-19 ghi nhận tại Việt Nam, tỉ lệ mắc của nhóm 0-2 tuổi là 2,5%; 3-12 tuổi là 8,9%; 13-17 là 5,7%. Tỉ lệ tử vong ở nhóm 0-2 tuổi là 0,19%; 3-12 tuổi là 0,06%; từ 13-17 tuổi là 0,09%.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay ngay từ khi những loại vaccine đầu tiên trên thế giới được phát minh, bên cạnh tiêm chủng vaccine cho người lớn thì các quốc gia đã bắt tay vào thử nghiệm tiêm chủng vaccine (kể cả chủng virus bất hoạt, hay MRA) trên đối tượng học đường (12-18 tuổi). Tới nay, đã có một số kết quả nghiên cứu.

Tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, tỉ lệ trẻ nhiễm không cao, nhưng khả năng lây lan trong trường học, điều kiện sinh hoạt, học tập là hoàn toàn có thể xảy ra. Tỉ lệ trở nặng với chủng virus trước thường không trở nặng nhiều, tuy nhiên với biến chủng Delta một số người trẻ vẫn có tình trạng trở nặng, gây tử vong ở độ tuổi rất sớm.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay, hiện Bộ Y tế chưa quyết định lựa chọn vaccine nào nhưng sẽ sử dụng những vaccine đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và bảo đảm an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tham khảo tất cả các nghiên cứu trên thế giới để áp dụng, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả các loại vaccine áp dụng cho trẻ em tại Việt Nam.

Hiện có 2 loại vaccine có thể tiêm cho trẻ em gồm: Vaccine Pfizer tiêm cho trẻ em từ 12-18 tuổi, sau đó có thể tiêm cho lứa tuổi trẻ nhỏ hơn. Vaccine Sinopharm theo khuyến cáo của nhà sản xuất có thể tiêm cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Hiện ngành y tế đang có những hướng dẫn hoặc kế hoạch để triển khai chiến dịch tiêm cho trẻ em trong thời gian sớm nhất.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, cho đến nay trẻ em mắc các bệnh mãn tính nặng có thể được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho nhóm được ưu tiên nếu có đủ nguồn cung. Các thử nghiệm vaccine cho trẻ em đang được tiến hành và WHO sẽ cập nhật các khuyến nghị khi có bằng chứng hoặc tình hình dịch tễ học đầy đủ đảm bảo cho sự thay đổi trong chính sách.

Trao đổi với Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng: Nếu vì tiêm để phòng lây truyền dịch thì không nên tiêm cho trẻ em vì hoàn toàn có thể phòng ngừa cho trẻ bằng các biện pháp 5K hiện nay. Nếu tiêm để phòng bệnh nặng và tử vong thì chỉ nên tiêm cho một số trẻ em có nguy cơ. Số mắc COVID-19 ở trẻ em chỉ chiếm 2%, hầu hết là không triệu chứng. Chỉ một số ít trẻ béo phì, có bệnh lý nền bị nặng.

"Chưa vội vàng triển khai tiêm vaccine cho trẻ em, là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh nặng thấp. Người lớn an toàn thì mới lo cho trẻ an toàn được. Cần tập trung bao phủ sớm vaccine cho người lớn", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nói.

Hiện có gần 50 tỉnh thành người lớn tiêm mũi 1 chưa đạt tỉ lệ 50%. Nhiều tỉnh thành mới chỉ 20-30% được tiêm mũi 1. Mục tiêu bao phủ vaccine cho người trên 50 tuổi còn trong tương lai. Cần tập trung mọi nguồn vaccine để tiêm cho người lớn, người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và tử vong. Khi nào đạt mục tiêu bao phủ vaccine theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ thì mới nên tính đến tiêm vaccine cho trẻ em.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cũng lưu ý: Trẻ chưa tiêm vaccine vẫn có thể học tại trường bằng các biện pháp kiểm soát hiện nay.

Theo thống kê của ngành y tế, hiện trên toàn quốc có hơn 20.000 trẻ dưới 15 tuổi mắc COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế, chưa kể những trẻ không có triệu chứng, hoặc bệnh nhẹ chỉ theo dõi chăm sóc tại nhà. So với những đợt dịch trước, trong đợt dịch lần thứ 4 này số trẻ em mắc COVID-19 tăng gấp nhiều lần và đã có trường hợp tử vong.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn