MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Số ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội tăng mạnh, lên hơn 4.800 ca/ngày. Ảnh: LĐO

Tiến gần mốc 5.000 F0/ngày, Hà Nội thay đổi chiến lược chống dịch ra sao?

Phạm Đông LDO | 20/02/2022 17:51
Hà Nội - Số mắc COVID-19 tại Hà Nội từ mốc xấp xỉ 3.000 ca trong gần 1 tháng đã tăng vọt lên xấp xỉ 5.000 ca trên ngày ở tuần này, vì thế thành phố cũng sẽ phải chuyển trọng tâm trong chiến lược phòng chống dịch.

Hơn 96% F0 ở Hà Nội điều trị tại nhà

Ngày hôm qua (19.2), số mắc COVID-19 tại Hà Nội lại tăng thêm 4.869 ca bệnh (tăng 320 ca so với ngày trước đó), trong đó có 1.206 ca cộng đồng và 3.663 ca đã cách ly.  4.869 bệnh nhân phân bố tại 468 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29.4.2021 đến nay, là 196.416 ca.

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 18.2, toàn thành phố có 167.194 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 161.000 F0 điều trị tại nhà (tăng hơn 23.000 ca so với ngày 17-2) và 1.165 ca điều trị tại cơ sở thu dung của thành phố và các quận, huyện.

Như vậy, hiện hơn 96% F0 ở Hà Nội mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Khoảng 4% còn lại (hơn 4.500 ca) phải nhập viện điều trị, trong đó có hơn 4.200 ca điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3); 351 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Ngày 18.2, Hà Nội ghi nhận 5 ca mắc COVID-19 tử vong. Đây là số tử vong thấp nhất trong những ngày gần đây. Như vậy, tổng số ca tử vong do COVID-19 tính từ ngày 29.4.2021 cho đến nay tại Hà Nội là 893 người.

Điều chỉnh chiến lược phòng dịch

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, mặc dù số ca mắc tăng nhanh nhưng số bệnh nhân nặng phải chuyển tầng điều trị được hạn chế tối đa trong nhiều tuần qua.

Số ca tử vong bình quân mỗi ngày hiện trung bình khoảng 15 trường hợp và chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ hoặc chưa tiêm vaccine COVID-19.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu rõ, trong bối cảnh số ca mới liên tục tăng nhanh và mạnh, gần 97% không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được quản lý theo dõi sức khoẻ tại nhà và gần 100% dân số tiêm 2 mũi vaccine, thành phố cũng có những điều chỉnh trọng tâm trong chiến lược phòng chống dịch.

Theo đó, ưu tiên trọng tâm của thành phố lúc này là phải bảo vệ, quản lý người nguy cơ cao (cao tuổi, bệnh nền, chưa được tiêm vaccine) mắc COVID-19 để hạn chế số ca chuyển nặng, tử vong.

Đồng thời, rà soát người nguy cơ cao chưa tiêm vaccine; vận động và tổ chức tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm trên địa bàn.

Thủ đô hiện đã kích hoạt 8.000 giường bệnh dành cho những người có dấu hiệu từ trung bình trở lên và đưa vào tất cả các tuyến điều trị. Các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện chuyên gia, đa khoa đều tham gia điều trị COVID-19. Cơ bản phải thực hiện thật tốt việc phân tầng bệnh nhân ngay từ y tế cơ sở. Sau khi phân tầng phải phân luồng các bệnh viện và bệnh nhân được điều trị ngay tại địa bàn.

Theo bà Hà, trong trường hợp F0 nặng và nguy kịch mới chuyển lên tuyến trên như các bệnh viện hạng 1 của thành phố. Ngoài ra, Hà Nội cũng có thêm một số bệnh viện trung ương, bộ ngành. Thành phố đã có văn bản gửi tới tất cả bệnh viện này cùng tham gia điều trị COVID-19 trên địa bàn.

Trước đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ngày 17.2, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định, tuy số ca mắc tăng cao những ngày qua, nhưng tình hình vẫn "trong tầm kiểm soát".

Ông Dũng nhận định dịch bệnh vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương coi công tác phòng, chống dịch là đặc biệt quan trọng, thường xuyên. Không được để tình trạng người dân nhiễm bệnh gọi y tế nhưng không được hỗ trợ, hướng dẫn và điều trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn