MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiếng thở dài của người làm công tác dân số tại TP Hồ Chí Minh

NGUYỄN LY LDO | 26/06/2023 19:53

TP Hồ Chí Minh – 13 năm bám địa bàn làm công tác dân số, thế nhưng nhiều bán chuyên trách viên làm công tác dân số ở cấp phường, xã chỉ được hưởng một mức lương và làm đến nghỉ hưu vẫn không được tăng lương thêm dù chỉ một lần.

13 năm làm việc nhưng chưa được một lần nâng lương

Chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc - phụ trách công tác dân số bình đẳng giới trẻ em quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh đã gắn bó với công tác dân số 13 năm nay. Để gắn bó lâu dài với công việc chẳng mấy dễ dàng này, chị Hồng Ngọc phải cố gắng từng ngày, chắt bóp chi tiêu mới mong đủ sống tại TP Hồ Chí Minh.

Với mức lương của một bán chuyên trách viên cơ sở tính theo mức lương nhà nước bậc đại học là 2.34, cộng với các khoản phụ cấp, thu nhập tăng thêm khác, mỗi tháng thu nhập của chị Hồng Ngọc chỉ nhận được hơn 5.000.000 đồng.

Chị Hồng Ngọc (bên phải ảnh) và cộng tác viên dân số đang trao đổi công việc. Ảnh: Nguyễn Ly

“Ở đây ngoài lương cơ sở, hàng tháng có thêm lương khoán, kinh phí thêm theo Nghị quyết 03 của thành phố… cộng các khoản lại tôi phải cố gắng gói ghém lắm mới đủ sống. Nếu như cán bộ công chức cứ 3 năm tăng hệ số lương một lần thì bán chuyên trách viên dân số như chúng tôi không được tăng lương, đồng thời mức đóng bảo hiểm cũng rất thấp chỉ 149.000 đồng/tháng, thấp hơn rất nhiều so với mức đóng của các cán bộ công chức ”, chị Hồng Ngọc chia sẻ.

Quận Bình Thạnh là quận có số dân nhập cư lớn, công tác quản lý bám sát địa bàn vô cùng vất vả và không khác gì so với một công chức viên. Thế nhưng mọi chế độ của bán chuyên trách viên dân số chỉ có một mức đến lúc về hưu. Mức đóng bảo hiểm thấp, lương thấp khiến không ít người nản lòng và muốn nghỉ việc.

“Ở những tỉnh thành khác những người làm công tác dân số như tôi họ là nhân viên y tế, ăn lương như chuyên viên. Có nghĩa là nhân viên y tế được điều động từ trung tâm y tế quận, huyện đưa xuống trạm. Khi có những văn bản liên quan đến nâng lương của ngành tế thì những nhân viên y tế này sẽ được hưởng. Với một mức độ công việc đó và ở TP Hồ Chí Minh lương vậy thì cũng buồn, không tương xứng với công sức mà một bán chuyên trách viên dân số bỏ ra”, chị Hồng Ngọc nói.

“Với những thiệt thòi này, cán bộ không chuyên trách khi gắn bó đến tuổi về hưu thì mức lương hưu rất thấp, thậm chí là không đủ sống”, chị Hồng Ngọc thở dài.

Chỉ được hưởng một mức lương cố định

Ông Phạm Chánh Trung – Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay cán bộ làm công tác dân số của thành phố không chịu sự quản lý của trung tâm y tế mà được UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức quản lý. Khi vận hành theo mô hình này cán bộ làm công tác dân số sẽ báo cáo trực tiếp với đơn vị chủ quản của mình là UBND cấp phường, xã tương đương.

Khác với các tỉnh thành khác, cán bộ làm công tác dân số chịu sự quản lý của sở y tế và phòng y tế quận, huyện. Như vậy, khi có bất cứ văn bản nào của ngành y tế thì cán bộ dân số cũng nằm trong số đó.

“Tuy nhiên hiện nay cái vướng duy nhất còn tồn tại là cán bộ không chuyên trách dân số cấp phường, xã ở TP Hồ Chí Minh chỉ được hưởng một mức lương cố định theo đúng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP ban hành về biên chế của cán bộ không chuyên trách dân số và không được lên lương. Và cũng nằm trong số 12 chức danh cán bộ không chuyên trách cấp phường, xã không được nâng lương. Ví dụ người ra trường có bằng cao đẳng sẽ được 1,86; bằng đại học mức 2,34; thạc sĩ 2,67… mức lương này theo cán bộ không chuyên trách đến khi về hưu, còn các chế độ phụ cấp khác thì vẫn được hưởng bình thường”, ông Chánh Trung cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn