MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ khám cho một bệnh nhi nghi ngờ mắc chứng dậy thì sớm. Ảnh: Thùy Linh

Tiếp cận phim người lớn cũng có thể gây dậy thì sớm

Thùy Linh LDO | 06/06/2020 17:52
Nếu như 10 năm trước, tỷ lệ trẻ đến khám vì dậy thì sớm chỉ khoảng 10 cháu thì đến nay, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 100 cháu đến khám.

Cần điều trị ức chế dậy thì sớm

Bé Đ.T.Ch (7 tuổi) ở Hà Đông, Hà Nội đã bắt đầu dậy thì, cao 1,3m, ngực bé bị sưng đau và to dần lên cách đây vài tháng nhưng do dịch COVID-19 nên gia đình chậm đưa con đi khám.

Tại bệnh viện Nhi Trung ương, bé C được các bác sĩ chẩn đoán bị mắc chứng dậy thì sớm trung ương. "Dù tử cung chưa to nhưng tuổi xương đã tương đương trẻ 11 tuổi 3 tháng. Với trường hợp này, cháu nên được uống thuốc ức chế dậy thì sớm"- bác sĩ Bùi Phương Thảo, Phó Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay. 

Theo bác sĩ Phương Thảo, dậy thì sớm ở trẻ em có hai loại: dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương.

Dậy thì sớm ngoại biên có bất thường buồng trứng, u nang buồng trứng, có bệnh lý di truyền gây tiết hooc môn sinh dục. Dậy thì sớm trung ương có sự bất thường trong não, có khối u trong não gây kích thích tuyến sinh dục.

Nếu trẻ nữ có đặc tính sinh dục trước 8 tuổi (phát triển tuyến vú, có kinh nguyệt…) và trẻ nam trước 9 tuổi (có cơ bắp, ria mép, giọng ồm…), chiều cao tăng nhanh hơn 6 cm/năm thì sẽ được nhận định là dậy thì sớm.

Hiện nay, tuổi nhỏ nhất được chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm chỉ khoảng vài tháng tuổi vì những bệnh nhi này đều mắc bệnh lý di truyền. Ở dậy thì sớm trung ương, bệnh viện cũng từng điều trị cho nhiều bệnh nhi nữ 3-4 tuổi có khối bất thường trong não dẫn đến có kinh nguyệt từ nhỏ.

Để chẩn đoán dậy thì sớm, các bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, theo dõi cấp độ tăng trưởng, đánh giá mức độ dậy thì của trẻ qua tuổi xương chụp cổ tay trái, siêu âm tử cung buồng trứng, khối thượng thận… Một số trường hợp sẽ chụp cộng hưởng từ não để chẩn đoán.

Bác sĩ Bùi Phương Thảo trao đổi với phóng viên về dậy thì sớm ở trẻ. Ảnh: Thùy Linh

Nguyên nhân nào khiến dậy thì sớm gia tăng? 

Theo bác sĩ Thảo, nghiên cứu và thực tế điều trị cho thấy tỷ lệ trẻ gái dậy thì sớm chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ nam. Ở dậy thì sớm trung ương, cứ có một trẻ nam thì có tới 20 trẻ nữ dậy thì sớm. Tuy nhiên, nếu trẻ nam dậy thì sớm thì tỷ lệ mắc các bệnh về não rất lớn.

“Nguyên nhân của dậy thì sớm trung ương 90-95% ở nữ là vô căn, 5-10% có bất thường ở não, u não, dị tật não. Ở trẻ trai, khoảng 40-50% có u não, bất thường não, dị tật não. Vì thế, chúng tôi chỉ định chụp MRI tất cả trẻ trai để chẩn đoán”, bác sĩ Thảo nói. 

Vị chuyên gia này khuyên các gia đình cần theo dõi trẻ sát sao và có chế độ dinh dưỡng hợp lý với trẻ nhỏ. Trẻ béo phì, sớm tiếp cận với những phim của người lớn là những yếu tố dẫn tới trẻ có thể dậy thì sớm. 

Trước thông tin nhiều phụ huynh lo ngại uống sữa bò sẽ khiến trẻ dậy thì sớm, theo bác sĩ Thảo, hiện nay chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định trẻ uống sữa sẽ bị dậy thì sớm. Tuy nhiên, theo quan sát của ông, tỉ lệ trẻ dậy thì sớm đang ngày một gia tăng, tuổi dậy thì cũng sớm hơn nhiều năm về trước. 

Tuổi dậy hiện nay được tính ở mốc 8-13 tuổi với trẻ gái và 9-14 tuổi ở trẻ trai. Nếu như 10 năm trước, tỷ lệ trẻ đến khám vì dậy thì sớm chỉ khoảng 10 cháu thì đến nay, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 100 cháu đến khám. Hiện nay, bệnh viện đang quản lý và điều trị hơn 1000 bệnh nhi mắc dậy thì sớm. Trong số đó, có hơn 500 cháu được điều trị ức chế dậy thì bằng tiêm thuốc. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn