MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổ y tế cộng đồng tới tận nhà khám, tư vấn và phát thuốc cho người dân. Ảnh: NVCC.

Tổ y tế cộng đồng: "Trực chiến 24/7, có cuộc gọi là chúng tôi đi ngay"

KHÁNH LINH LDO | 09/08/2021 14:19

Số lượng người liên quan đến COVID-19 ở TP.Hồ Chí Minh cách ly điều trị và theo dõi sức khoẻ ở nhà ngày càng tăng. Trước thực tế này, tổ y tế cộng đồng tại các phường, quận đã nhanh chóng được thành lập và trở thành đội "phản ứng nhanh" để hỗ trợ các bệnh nhân F0 trở nặng 24/7.

Trực 24/7, có bệnh nhân là lên xe

Hiện nay, Tổ y tế cộng đồng phường triển khai 2 hình thức hoạt động chính để hỗ trợ cho các bệnh nhân và tình huống cấp cứu trên địa bàn. Chị Trần Thị Yến Nhi - Tổ trưởng Tổ y tế cộng đồng phường Tân Kiểng, quận 7 cho biết về nhân sự Tổ có 11 thành viên bao gồm 2 bác sĩ, 5 tình nguyện viên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường và còn lại là nhân viên của Trạm y tế.

"Một đội sẽ trực tại chỗ, tư vấn nhanh và kê đơn thuốc cho người bệnh qua điện thoại. Trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, đội "phản ứng nhanh" của tổ sẽ lập tức lên xe đến thăm khám chuyên sâu, nếu cần thiết sẽ lập tức chuyển người bệnh đi nhập viện.

Trung bình một ngày, Tổ y tế cộng đồng phường Tân Kiểng nhận được 60 cuộc gọi của người dân về vấn đề y tế. Khoảng 30 người cần hỗ trợ về thuốc, khoảng 10 cuộc gọi cần cấp cứu. Trong đó 2/3 cuộc gọi liên quan đến COVID-19, có 3-4 trường hợp chuyển nặng cần phải chuyển viện hoặc chuyển tầng mỗi ngày"- chị Yến Nhi cho biết.

Bác sĩ Võ Việt Hản (đang theo học Thạc sỹ nhi khoa Đại học Y Phạm Ngọc Thạch) - bác sĩ tình nguyện cùng Tổ y tế cộng đồng phường Tân Kiểng - chia sẻ, bản thân đã 1 tháng xa nhà đi chống dịch và kể từ ngày 31.7 đến nay, anh tham gia công tác ở Tổ y tế cộng đồng.

"So với công việc ở khu cách ly tập trung F0 trước đây thì công việc ở Tổ y tế cộng đồng có phần vất vả hơn do địa bàn rộng hơn, nhân sự ít hơn. Bệnh nhân rải rác ở khắp nơi, nhưng khi có ca cấp cứu phải xuống ngay, nên tính gấp rút cũng tăng lên. Tuy nhiên, lãnh đạo quận 7 cũng có hỗ trợ phân tầng rõ ràng và cung cấp đầu mối tiếp nhận để thuận lợi cho vấn đề chuyển viện cho bệnh nhân nên hiện nay, việc điều chuyển, nhập viện tương đối nhanh và thuận lợi.

Bác sĩ Võ Việt Hản cấp cứu cho bệnh nhân trên xe. Ảnh: NVCC.

Những trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng, kể cả trong đêm khi các bạn tình nguyện viên tiếp nhận và thông báo, bác sĩ sẽ mặc đồ bảo hộ, cùng xe cấp cứu tới ngay. Là bác sĩ, chúng tôi trực chiến 24/7, có cuộc gọi là chúng tôi đi ngay”, bác sĩ Hản cho biết.

"3 tại chỗ" và nhiều ngày xa nhà

Từ đơn vị đang công tác là Tổ y tế phường Tân Kiểng về đến nhà chỉ cách nhà khoảng hơn chục cây số nhưng bác sĩ Hản cũng đã nhiều ngày không về nhà. Anh và các “đồng đội” cùng sinh hoạt tại bệnh viện để thực hiện "3 tại chỗ" để đảm bảo an toàn phòng dịch.

"Mình có 1 vợ và con nhỏ hiện đang sống tại quận Tân Bình. Từ lúc đi chống dịch đến giờ, mình không về nhà nên cũng nhớ nhà, nhớ vợ con. Mỗi ngày, mình đều tranh thủ gọi điện qua video về nhà để gặp con"- bác sĩ Hản nói.

Là sinh viên y khoa tình nguyện vào TPHCM chống dịch và hỗ trợ tại Tổ y tế cộng đồng phường Tân Kiểng, bạn Bùi Cao Thắng (Đại học Y dược Thái Bình) tâm sự, dù đi học xa nhà 6 năm nay, nhưng lần này đi chống dịch ở TPHCM, khoảng cách xa hơn nên nỗi nhớ nhà cũng nhiều hơn.

"Những lúc nghỉ ngơi vào buổi tối, mình đều gọi điện về cho mẹ để vơi bớt phần nào nỗi nhớ gia đình. Bên cạnh đó, những lúc nhận được những cuộc gọi hay dòng tin nhắn cảm ơn của những bệnh nhân đã hồi phục nhờ được hỗ trợ, điều trị kịp thời, mình cảm thấy hạnh phúc và được tiếp thêm động lực để vượt lên hết tất cả”, Thắng chia sẻ.

Chia sẻ về cuộc sống sinh hoạt khi thực hiện "3 tại chỗ" để chống dịch, bác sĩ Hản và Thắng đều chia sẻ, hiện tại việc ăn uống, sinh hoạt, hậu cần được lãnh đạo quận quan tâm và chăm lo đầy đủ, kịp thời để đảm bảo sức khoẻ cho toàn bộ thành viên Tổ y tế cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn