MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà, trong đó có gói thuốc A, B. Ảnh: HCDC.

TPHCM có hơn 107.000 bệnh nhân COVID-19 xuất viện

Thanh Chân LDO | 31/08/2021 14:15

Ngày 31.8, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, thành phố có tổng số ca xuất viện cộng dồn từ 1.1.2021 đến nay là 107.216 bệnh nhân.

107.216 bệnh nhân xuất viện từ 1.1.2021 đến nay

HCDC thông tin, tính đến nay, thành phố đang điều trị 40.133 bệnh nhân, trong đó có 2.449 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.736 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 30.8, thành phố có thêm 2.372 bệnh nhân COVID-19 xuất viện, nâng tổng số ca xuất viện cộng dồn từ 1.1.2021 đến nay là 107.216 bệnh nhân.

Về xét nghiệm COVID-19, thành phố tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho tất cả người dân ở khu vực "vùng đỏ" và "vùng cam". Khu vực "vùng xanh" và "vùng vàng" sẽ làm xét nghiệm RT-PCR với mẫu gộp 5 cho "vùng vàng" và mẫu gộp 10 cho “vùng xanh”. Tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho đội ngũ shipper miễn phí từ 5-6h sáng tại địa phương.

 Tủ thuốc ở khu khám bệnh Trạm y tế lưu động số 1, Quận 7. Ảnh: Ngọc Lê.

Thành phố đã tổ chức hơn 400 Trạm Y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà. Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các Trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện. Triển khai chương trình thử nghiệm điều trị thuốc Molnupiravir có kiểm soát dành cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ.

Theo HCDC, thành phố tổ chức cấp các túi thuốc dành cho F0 điều trị chăm sóc tại nhà. Túi thuốc A bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Túi thuốc B có thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông, được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Gói thuốc C chứa thuốc kháng virus Molnupiravir. Thuốc này đang trong giai đoạn thử nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19.

Điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy

Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 83.643 người, trong đó có 59.093 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 24.050 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 20.604 người.

Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 2.824 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 19.098 người.

Lộ trình tiêm vaccine từ ngày 29.8 đến 31.12.2021

HCDC cũng thông tin về công tác tiêm chủng, nguyên tắc của tiêm vaccine phòng COVID-19 dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân. 

Theo kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM, từ ngày 29.8 đến ngày 31.12, thành phố đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn thành phố. 

Tổng cộng số lượng vaccine thành phố cần sử dụng trong đợt này là khoảng 8.145.900 liều. Trong đó, sử dụng cho mũi 1 là khoảng 1.400.000 liều, mũi 2 là khoảng 6.745.900 liều.

Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân ở TPHCM. Ảnh: Thanh Chân.

Dựa trên yêu cầu bao phủ vaccine cho người dân và quy định của Bộ Y tế về việc tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của TPHCM xây dựng lộ trình tiêm cụ thể.

Giai đoạn 1 (29.8 - 15.9), tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người, đạt tỉ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm.

Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine với khoảng 2.089.000 người, gồm 733.000 người cần tiêm bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer; 485.000 người cần tiêm vaccine Moderna; 31.000 người cần tiêm vaccine Pfizer; 840.000 người cần tiêm vaccine Vero Cell (tổ chức tiêm tập trung trong thời gian từ 6.9 - 10.9). Tổng số lượng vaccine cần sử dụng là 2.769.000 liều.

Giai đoạn 2 (16.9 - 30.9), tiêm bảo phủ mũi 1 cho 10% còn lại của người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 720.000 người).

Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine (khoảng 656.900 người), gồm 500.000 người cần tiêm bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer; 18.200 người cần tiêm vaccine Moderna; 700 người cần tiêm vaccine Pfizer; 138.000 người cần tiêm vaccine Vero Cell. Tổng số lượng vaccine cần sử dụng là 1.376.900 liều.

Giai đoạn 3 (1.10 - 15.10), tiêm nhắc mũi 2 cho 2.600.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer.

Giai đoạn 4 (16.10 đến 31.12), tiêm nhắc mũi 2 cho 1.400.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo loại vaccine phù hợp (trong giai đoạn 29.8 - 30.9).

Tiêm vaccine COVID-19 cho thai phụ tại Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: Thanh Vũ.

Về đối tượng tiêm vaccine, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM thông tin toàn bộ người dân trên địa bàn thành phố trong độ tuổi quy định có chỉ định sử dụng vaccine.

Trong đó, tập trung ưu tiên tiêm vaccine cho các nhóm gồm người cao tuổi; người bệnh lý nền, thai phụ từ 13 tuần trở lên và bà mẹ đang cho con bú; lực lượng tuyến đầu chống dịch (những người chưa tiêm); lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (nhà đầu tư, doanh nghiệp, công nhân trong và ngoài các khu công nghiệp, người lao động thuộc nhóm cung cấp dịch vụ và hàng hóa thiết yếu, nhóm đảm bảo lưu thông...).

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM, từ ngày 8.3 đến hết ngày 27.8, các đơn vị của thành phố đã thực hiện tiêm vaccine COVID-19 được 5.806.990 mũi tiêm, trong đó có 273.767 mũi 2. Ngoài ra, các đơn vị thuộc Trung ương đóng trên địa bàn thành phố được Bộ Y tế phân bổ khoảng 500.000 liều vaccine. Phần lớn số vaccine này được tiêm cho cán bộ, công nhân viên, các lực lượng khác của đơn vị Trung ương đang làm việc và sinh sống tại thành phố. Theo ước tính, có khoảng 83% người từ 18 tuổi trở lên sinh sống tại TPHCM được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn