MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ y tế TPHCM thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir cho người dân. Ảnh: Nguyễn Ly

TPHCM: Có tình trạng "chợ đen" bán thuốc kháng virus điều trị COVID-19

Huyên Nguyễn LDO | 12/09/2021 09:24

TPHCM hiện đã được Bộ Y tế cấp khoảng 80.000 liều thuốc thuốc kháng virus Molnupiravir nhưng hiện mới chỉ phát được hơn 10%. Đáng chú ý, ngành Y tế đã ghi nhận tình trạng “chợ đen”, một số nhà thuốc bán thuốc này một cách trái phép.

Mới chỉ phát được hơn 10% thuốc kháng virus

Sở Y tế TPHCM đã chuẩn bị 3 loại túi thuốc A, B, C nhằm hỗ trợ điều trị đối tượng này. Tuy nhiên, hiện nay việc cấp phát túi thuốc tại các địa phương đến F0 còn chậm.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM cho biết thành phố đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc A (thuốc hạ sốt và vitamin) và túi thuốc B (gồm một loại thuốc kháng viêm và một loại thuốc kháng đông) đủ cho nhu cầu của những F0 điều trị tại nhà.

Đối với túi thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir) ngoài 50.000 liều thì Bộ Y tế cũng đã bổ sung cho TPHCM 2,4 triệu viên 250mg, tương ứng với thêm 30.000 liều. Như vậy, hiện nay TPHCM có 80.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir. Bà Lan nhận định số lượng thuốc đang đủ và dư đối với dự kiến và số lượng F0 hiện nay.

Tuy nhiên, thực tế là tới ngày 9.9, mới chỉ có 86.000 F0 tại nhà nhận túi thuốc A, B và có 8.463 F0 nhận túi thuốc C. Chủ tịch Hội Dược học TPHCM nhận định việc chậm chễ có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.

“Việc chưa nhiều F0 nhận được túi thuốc C bởi đây không phải một loại thuốc được phát tuỳ ý mà người nhận phải có sự sàng lọc của y tế địa phương cũng như phải ký một cam kết để nhận một loại thuốc thử nghiệm, kiểm soát có điều kiện. Chính vì thế, con số còn ít”, bà Lan bày tỏ.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM. Ảnh: Thành Nhân 

Bà Lan cho biết Sở Y tế đã có chỉ đạo cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM và yêu cầu ban chỉ đạo phòng chống dịch của các địa phương, quận huyện đẩy nhanh tiến độ phát các túi thuốc cho F0. Bà Lan cho biết bản thân cũng đã nhận được phản ánh từ những người có quen biết là những người F0 về sự chậm chễ trong phát thuốc.

“Bây giờ có tình trạng F0 gọi nhưng y tế địa phương hay trạm y tế lưu động chưa đáp ứng kịp cho nên chắc là phải chấn chỉnh lại. Đây không những chỉ chậm trong khâu cấp phát thuốc mà còn một số việc khác. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc để tăng cường tiến độ”, bà Lan cho hay.  

Có tình trạng “chợ đen”

Về các túi thuốc, đặc biệt là túi thuốc C, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, đây là một thuốc mà Việt Nam được quyền nhượng quyền sản xuất và tuy đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực, rất mong trong thời gian tới sẽ vượt qua được giai đoạn nghiên cứu để cấp số đăng ký và lưu hành.

Tuy loại thuốc này đang thuộc tầm kiểm soát của ngành Y tế, chưa được đưa ra bán trên thị trường nhưng hiện ngành Y tế đã ghi nhận có “chợ đen”, nhà thuốc bán thuốc này một cách trái phép, Bộ Y tế cũng đã có cảnh báo về điều này.

Chính vì thế, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM nhấn mạnh y tế địa phương cần hết sức thận trọng khi phát túi thuốc này ra, tránh phát không đúng đối tượng sẽ tạo điều kiện để tuồn thuốc ra thị trường. Thậm chí, có người có tư tưởng cứ mua vài chục viên để đó, cứ có gì là uống ngay hoặc chưa xét nghiệm biết mình là F0, chưa cần thiết nhưng vẫn uống vào, đây là những điều hoàn toàn sai.

Bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định ngành Y tế sẽ có chấn chỉnh, thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng này. Nếu ai có xét nghiệm F0 hãy liên hệ với y tế địa phương và tổ y tế lưu động để được nhận túi thuốc. Nếu đơn vị nào chậm trễ phản ánh cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 để có nhắc nhở và kiểm tra tại hệ thống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn