MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống Y tế công lập tại TPHCM đang đối diện với nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ: Anh Tú

TPHCM đối diện với tình trạng thiếu thuốc, thiếu bác sĩ

HUYÊN NGUYỄN LDO | 03/06/2022 06:35

TPHCM - Tình trạng thiếu thuốc tại các trạm y tế, thiếu bác sĩ do nhân viên y tế nghỉ việc chuyển sang bệnh viện tư nhân đang khiến cho hệ thống y tế công lập tại TPHCM gặp nhiều khó khăn.

Tại không ít trạm y tế ở TPHCM xuất hiện tình trạng thiếu thuốc BHYT hoặc là vừa thiếu thuốc, vừa không có bác sĩ kê toa do bác sĩ đã xin nghỉ. Tương tự, ở các bệnh viện công hiện nay, nhiều bác sĩ làm việc lâu năm, có tay nghề nhưng xin nghỉ việc.

Lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với công sức bỏ ra đang là một trong những nguyên nhân chính khiến bác sĩ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư làm việc.

Thông tin về vấn đề này, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Lê Thiện Quỳnh Như cho biết trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua, các trạm y tế chủ yếu thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh và theo dõi, quản lý, tư vấn bệnh nhân F0 điều trị tại nhà.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát nên các trạm y tế trở lại nhiệm vụ khám bệnh ban đầu cho người bệnh BHYT.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, việc cung ứng thuốc tại trạm y tế đã có hiện tượng thiếu một số thuốc nhất định. Cụ thể, trạm y tế hiện là cơ sở khám, chữa bệnh hạng 4 nên theo quy định sẽ được cung ứng danh mục thuốc theo hạng 4 tại Thông tư 30/2018/TT-BYT của Bộ Y tế. Do đó, sẽ thiếu một số thuốc khi người bệnh mạn tính chuyển về khám tại trạm y tế từ các bệnh viện (các bệnh viện của Thành phố hiện là những bệnh viện hạng 1,2).

Trong khi đó các trạm y tế chưa thực hiện việc phê duyệt danh mục kỹ thuật và danh mục thuốc vượt hạng theo quy định.

Một nguyên nhân khác là hiện nay số người đến khám tại các trạm y tế chưa nhiều nên việc mua sắm thuốc tại trạm cũng đang gặp khó khăn do không có nhà thầu tham gia cung ứng thuốc.

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại Trạm Y tế, bà Như cho hay ngày 31.5.2022, Sở Y tế đã tổ chức họp với các trung tâm y tế và trạm Y tế. Sở Y tế cũng thông tin về việc thực hiện lập danh mục thuốc vượt tuyến tại các trạm y tế, quy trình mua sắm thuốc,… Tuy nhiên, về lâu dài việc mua sắm thuốc tại các trạm y tế nên thực hiện theo hướng mua sắm tập trung để đảm bảo lựa chọn nhà thầu tham gia cung ứng.

Theo ghi nhận của Lao Động, hiện tại, không ít nhân viên y tế bệnh viện công chuyển sang một bệnh viện tư nhân với với mức lương cao hơn, dẫn đến tình trạng thiếu bác sĩ tại cơ sở y tế công lập.

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, trong năm 2021, tổng số nhân viên y tế của bệnh viện công thành phố nghỉ việc là 701 người. Trong đó, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh là 399 người; bác sĩ 186 người; nhân viên khác 116 người. 

Còn bệnh viện tuyến quận, huyện có 235 người nghỉ việc. Trong đó, bác sĩ 57 người; điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh là 117; khác là 61 người. 

Trung tâm Y tế quận, huyện 137 người nghỉ việc. Trong đó, bác sĩ 27 người; điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh là 44 người; khác là 72 người. 

Trả lời trên Lao Động, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng tình trạng chảy máu chất xám xảy ra đã được thành phố lường trước sau đại dịch COVID-19.

Hàng loạt giải pháp của thành phố trong thời gian qua như đưa nguồn nhân lực mới ra trường về trạm y tế làm việc, nâng mức lương cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa thay đổi chính sách nâng cao cho người đã gắn bó lâu năm, chế độ đãi ngộ ở bệnh viện công vẫn còn thấp. 

PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh, việc này không chỉ giải quyết ngắn hạn mà phải dài hạn và TP cần có chiến lược, kế hoạch rõ ràng để từng bước thay đổi nhằm giữ chân được nhân viên y tế giỏi. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn