MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sỹ tại Trạm y tế lưu động đến tận nhà thăm khám cho người mắc COVID-19. Ảnh: Anh Tú

TPHCM kích hoạt lại mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, hỗ trợ F0

Thanh Chân LDO | 12/11/2021 10:57

TPHCM - Trước tình hình người bệnh COVID-19 (F0) có xu hướng tăng lại trong thời gian gần đây trên địa bàn thành phố, Sở Y tế đã kích hoạt lại mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" nhằm tăng cường tư vấn và hỗ trợ F0. 

Kích hoạt lại mạng lưới Thầy thuốc đồng hành

Ngày 12.11, Sở Y tế TPHCM và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM quyết định kích hoạt lại mạng lưới Thầy thuốc đồng hành. Khi cần tư vấn và hỗ trợ của "Thầy thuốc đồng hành", F0 hoặc người thân gọi tổng đài 1022, bấm phím 4.

Trong lần kích hoạt này, để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của mạng lưới, Sở Y tế yêu cầu Giám đốc Trung tâm y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức, Trung tâm Cấp cứu 115  và các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 phối hợp chặt chẽ với các tổ trưởng tổ điều phối của mạng lưới Thầy thuốc đồng hành trong cung cấp cập nhật danh sách F0 trên địa bàn, phối hợp hoạt động cấp cứu người bệnh (khi nhận được thông tin từ các thầy thuốc tình nguyện).

Đồng thời, Sở Y tế đề nghị mạng lưới Thầy thuốc đồng hành thông tin cho Sở Y tế những cơ sở y tế chưa phối hợp tốt trong công tác tư vấn, tiếp nhận điều trị cho người bệnh để kịp thời chấn chỉnh.

Đã huy động hơn 7.000 bác sĩ tham gia tư vấn hàng nghìn F0

Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TPHCM, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã huy động hơn 7.000 bác sĩ trên khắp cả nước tham gia tư vấn từ xa cho hàng nghìn trường hợp F0 gặp khó khăn.

Qua đó, các thầy thuốc tình nguyện đã tư vấn và sàng lọc những trường hợp F0 có dấu hiệu nặng và kịp thời hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc và kết nối với các tổ phản ứng nhanh, các trạm cấp cứu vệ tinh để cấp cứu và điều trị.

Đối tượng chính của mạng lưới tập trung hỗ trợ là bệnh nhân COVID-19 cần hỗ trợ khẩn cấp, những trường hợp xác định chưa kịp được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải); trường hợp xác định có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị,...

Đây là nhóm đối tượng dễ tổn thương do chưa biết tình trạng của bản thân ở mức độ nào, khi nào cần được đưa đi bệnh viện điều trị; chưa biết phải gọi cho chuyên gia y tế nào và ở đâu để hỏi ý kiến khi đang tự cách ly tại nhà; chưa liên hệ được cơ sở y tế khi bệnh trở nặng hơn và dễ có tâm lý hoang mang dẫn đến hoảng loạn.            

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn