MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: BSCC

TPHCM lí giải số ca tử vong không khớp với công bố của Bộ Y tế

Huyên Nguyễn LDO | 16/07/2021 12:23
TPHCM đã ghi nhận số ca COVID-19 tử vong tại thành phố đợt dịch thứ 4 lên 142, trong khi Bộ Y tế mới công bố 69 ca.

Có chậm trễ

Sáng 16.7, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Trung tâm báo chí TPHCM cung cấp thông tin một số vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của TPHCM.

Theo đó, tính đến sáng 15.7, tại TPHCM có 142 trường hợp mắc COVID-19 tử vong. Lí giải về số liệu ca COVID-19 tử vong tại TPHCM do Sở Y tế cung cấp 3 ngày nay không thống nhất với số liệu của Bộ Y tế, đơn vị này cho biết nguyên nhân là do Sở Y tế TPHCM cập nhật số liệu ngay khi nhận được báo cáo nhanh từ bệnh viện.

Trong khi đó, để công bố lên hệ thống của Bộ Y tế, cần phải cập nhật chi tiết, cụ thể. Hiện nay số ca mắc mới mỗi ngày tăng cao, khối lượng thông tin cập nhật hàng ngày đối với các ca bệnh là rất lớn, nên thông tin cập nhật có phần chậm trễ.

Trước đó, chiều 15.7, Bộ Y tế đã cung cấp thông tin về 69 ca tử vong do COVID-19 tại TPHCM, từ ngày 7.6 đến ngày 15.7.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 rà soát các ca được xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, các ca khỏi bệnh và ca tử vong do COVID-19 (nếu có) và nhanh chóng cập nhật thông tin về những ca này trên hệ thống đăng ký ca mắc mới và hệ thống quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19, để Bộ Y tế có cơ sở thông báo chính thức về các trường hợp mắc mới, trường hợp khỏi bệnh và trường hợp tử vong.

Dồn lực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng

Chia sẻ về điều trị cho các ca mắc COVID-19, tại Hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 diễn ra chiều 15.7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đây là việc quan trọng để người dân không hoang mang, gây bất ổn trong xã hội. Mục đích tập trung điều trị F0, hạn chế ca tử vong, tập trung nguồn lực điều trị cho F0 nặng và người có bệnh nền.

Người đứng đầu UBND TPHCM đánh giá quy trình, xử lý, điều trị F0 có nhiều bất cập. Thời gian điều chuyển F0 từ địa phương đến bệnh viện còn chậm, công tác phối hợp điều chuyển F0 từ tuyến dưới lên tuyến trên có sự lúng túng, mất thời gian tìm bệnh viện đủ năng lực tiếp nhận bệnh nhân, gây mất thời gian cấp cứu cho bệnh nhân.

"Tối 14.7, khoảng gần 8h, tôi nhận được đề nghị của Chủ tịch UBND quận 7 nhờ giúp vì một ca F0 đang rất nguy cấp mà gọi không có bệnh viện nào tiếp nhận. Sau đó, tôi phải gọi cho anh Bỉnh (Giám đốc Sở Y tế TPHCM - PV) là giải quyết xong", ông Nguyễn Thành Phong kể lại và chỉ ra quy trình thực hiện điều trị cho F0 còn rất lúng túng và bất cập.

Ông Phong chỉ đạo cần rút ngắn thời gian chờ đợi, di chuyển các ca F0 có dấu hiệu chuyển nặng tại bệnh viện quận, huyện đến các bệnh viện tuyến trên.

Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với ngành công nghệ thông tin, thiết lập đường dây nóng có trách nhiệm nắm chắc khả năng tiếp nhận của bệnh viện tuyến trên, tiếp nhận thông tin của quận, huyện, TP về đưa F0 chuyển nặng, kịp thời điều phối chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để điều trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn