MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

TPHCM: Nhiều công trình y tế bế tắc do giá vật liệu tăng, thiếu nhân công

NGUYỄN LY LDO | 14/07/2022 17:50

TPHCM – Ngày 14.7, tại buổi tổng kết 6 tháng đầu năm và hoạt động trọng tâm tháng 6 năm 2022 của ngành y tế thành phố, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế lần lượt đưa ra những vấn đề hóc búa khiến nhiều công trình trọng điểm ngành y tế bị chậm trễ.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, sau khi dịch COVID-19 hạ nhiệt, TPHCM giải thể nhiều bệnh viện dã chiến và thu hồi các trang thiết bị, vật tư y tế sau đó phân bổ cho các bệnh viện sử dụng, điều này nhằm tránh lãng phí. 

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM. Ảnh: HY  

Ngoài ra, một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là chậm tiến độ các dự án ngành y tế trọng điểm. Trong năm 2021, các công trình y tế này được phê duyệt và đưa vào thi công, nhưng sau  ngày 1.10.2021, số lượng công nhân thi công trở về quê nên thiếu nhân lực. Đơn cử như công trình ở Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi khi Sở Y tế TPHCM đi kiểm tra tiến độ dự án chỉ có 120 công nhân làm việc nên rất chậm, còn Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn khoảng 400 công nhân làm việc nên nhanh hơn.

Cùng với đó là tình hình xung đột giữa Nga và Ukraina, dịch bệnh diễn ra trên thế giới vẫn phức tạp khiến giá cả vật liệu để thi công xây dựng tăng cao hơn so với giá đấu thầu, dẫn đến một số các công trình từ cầm cự thi công đến không còn thi công nữa. Một số dự án hết hạn cũng đang chờ ra quyết định để kéo dài thời gian thực hiện. 

“Tôi có trao đổi với một số chủ đầu tư các công trình y tế, nhiều người chấp nhận thanh lý hợp đồng vì càng làm càng lỗ. Thời điểm đấu thầu dự án so với hiện tại chênh lệch quá lớn, nên không thể tiếp tục làm”, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ thêm. 

Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công rất khó khăn. Trong vòng từ tháng 4, 5 đến 30.6.2022 số vốn giải ngân chỉ đạt 12% và cập nhật tới thời điểm hiện tại đạt 28%, con số này vẫn rất thấp trong giải ngân vốn đầu tư công. 

Trong năm 2021-2022, Sở Y tế TPHCM liên tục họp mỗi ngày để tìm hướng đi cho các công trình chậm này. Đồng thời, chủ động từng bước tháo gỡ khó khăn cho các công trình trọng điểm này.

Một số công trình chậm giải ngân

- Khoa khám bệnh - khối điều trị ngoại khoa (Bệnh viện Nhi đồng 1): Khối lượng giải ngân tới ngày 1.7 chỉ 1%

-Trung tâm chuyên sâu sơ sinh (Bệnh viện Nhi đồng 1): Khối lượng giải ngân tới ngày 1.7 chỉ 10%.

-Cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt: Khối lượng giải ngân tới ngày 1.7 chỉ 0%.

-Khối điều trị nội trú (Bệnh viện Nhân dân Gia Định): Khối lượng giải ngân tới ngày 1.7 chỉ 36,8%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn