MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

TPHCM nhiều F0 chưa được tiếp cận thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19

NGUYỄN LY LDO | 15/11/2021 14:36

TPHCM - Nhiều F0 tại TPHCM không tiếp cận được túi thuốc C - Molnupiravir – kháng virus điều trị COVID-19 dù đủ điều kiện và có nhu cầu sử dụng.

Bác sĩ cấp phát thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân F0. Ảnh: Nguyễn Ly

Hôm nay đã là ngày thứ 14 gia đình chị Hoàng Kiều Anh (phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức, TPHCM) nhiễm COVID-19. Nhớ lại giai đoạn đầu là F0, chị Kiều Anh có gọi điện thông báo với Trạm y tế phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức để được hỗ trợ tư vấn và điều trị tại nhà sau đó chị được cấp gói thuốc C - (Molnupiravir) kháng virus sử dụng.

Khoảng 2 ngày sau, chồng chị phát hiện mình cũng nhiễm COVID-19 nên chị Kiều Anh tiếp tục gọi điện để được xin thuốc Molnupiravir cho chồng mình sử dụng, nhưng thời điểm đó Trạm Y tế phường An Khánh thông báo đã hết gói thuốc C này và yêu cầu chờ.

“Trạm y tế có thông báo lại là hết thuốc và đang chờ được bổ sung, khi nào có sẽ gọi điện cho gia đình tôi. Từ lúc đó đến nay, sau thời gian đợi thuốc và tự điều trị tại nhà gia đình tôi vẫn chưa nhận được cuộc gọi nào về gói thuốc này của chồng”, chị Hoàng Kiều Anh chia sẻ thêm.

Tương tự, trường hợp bà T.P.N (54 tuổi, ngụ phường 1, quận 4, TP HCM) là F0 sau khi tự test tại nhà. Bà khai báo y tế và được phát túi thuốc F0. Tuy nhiên, nhân viên y tế chỉ cấp 2 gói thuốc A-B và không tư vấn gì thêm.

"Tôi lớn tuổi, đọc hướng dẫn sử dụng 2 gói thuốc A-B có nhiều điều thắc mắc nhưng không biết hỏi ai. Đặc biệt, sau khi chia sẻ thông tin là F0 với bạn bè, tôi mới biết sự tồn tại của gói thuốc C - kháng virus. Tuy nhiên, tôi không nhận được sự tư vấn sử dụng gói thuốc này từ nhân viên y tế. Bây giờ, tôi mong được dùng gói thuốc C nhưng không biết hỏi thông tin ở đâu" – bà N. nói.

Theo bà N hiện tại, sau 2 ngày trở thành F0, bà cách ly trong phòng riêng tại nhà. Tuy nhiên, có một số triệu chứng như ho, luôn khô họng, đắng miệng, chảy nước mũi…, chỉ số SpO2 ổn định.

Thực tế ghi nhận công tác điều trị tại tuyến cơ sở, đơn cử như Trạm Y tế lưu động số 5, phường 12, quận 10 TPHCM đang tiếp nhận điều trị cho khoảng 20 F0. Các bác sĩ cũng xác nhận có tình trạng thiếu thuốc, nhưng đều cố gắng phát cho F0 sử dụng đầy đủ, ngoại trừ những người có bệnh lý nền như ung thư, phụ nữ có thai 3 tháng đầu, phụ nữ đang có kế hoạch mang thai… thì chống chỉ định với loại thuốc này.  

BS Tạ Quang Tuấn – Trạm y tế lưu động số 5, phường 12, quận 10 cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi đều cố gắng cấp phát thuốc cho F0 đủ điều kiện sử dụng thuốc theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Cuối ngày chúng tôi sẽ báo cáo số lượng cấp phát như thế nào về cho quận và sau đó quận sẽ báo cáo Sở Y tế TPHCM để kịp thời bổ sung nếu hết thuốc”.

Trước đó, Bộ Y tế đã cấp cho TP.HCM 50.000 túi thuốc C – thuốc kháng virus. 28.583 túi đã cấp phát, còn lại 21.417 túi tính đến ngày 8.11.

Sở Y tế TP HCM vừa có văn bản khẩn gửi Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch và Giám đốc Trung tâm Y tế các quận, huyện, TP Thủ Đức về việc chấn chỉnh công tác chăm sóc, quản lý F0 tại nhà trên địa bàn. Yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường phố biển, kiểm tra, giám sát hoạt động chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà do trạm y tế phường, xã, thị trấn và các trạm y tế lưu động thực hiện.

Tất cả trường hợp F0 đang cách ly tại nhà và cơ sở cách ly trên địa bản phải được cấp phát túi thuốc điều trị COVID-19 trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Túi thuốc điều trị COVID-19 tại nhà phải đúng thành phần theo hướng dẫn của Sở Y tế, đặc biệt lưu ý tuân thủ chỉ định và cấp phát thuốc Mulnopiravir theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn