MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM chỉ còn 410.820 liều vaccine các loại. Ảnh: Thanh Vũ

TPHCM sắp hết vaccine tiêm mũi 2 cho người dân

MINH QUÂN LDO | 17/09/2021 18:09

TPHCM có gần 1,8 triệu người cần tiêm mũi 2 đến ngày 30.9 nhưng số vaccine hiện có của thành phố chỉ còn 410.820 liều.

TPHCM còn cần hơn 1,8 triệu liều vaccine

Thông tin trên được ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết tại buổi họp báo thông tin tình hình dịch chiều ngày 17.9.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, đến ngày 16.9, TPHCM đã tiêm 8.563.863 triệu mũi vaccine, trong đó tổng số mũi 1 là 6.693.404, mũi 2 là 1.870.459.

Qua thống kê từ các quận, huyện thì còn 515.988 người chưa tiêm mũi 1 và thành phố có 1.782.496 người cần tiêm mũi 2 đến ngày 30.9.

Cụ thể, TPHCM cần hơn 761.000 liều vaccine để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm vaccine AstraZeneca; hơn 111.000 liều để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm vaccine Moderna; hơn 60.000 liều để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm vaccine Pfizer; hơn 848.000 liều để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm vaccine Vero Cell.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, đến ngày 30.9, TPHCM cần 2,2 triệu liều vaccine để tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người dân.

Tuy nhiên, số vaccine hiện có của thành phố, kể cả tại kho của thành phố và quận, huyện chỉ còn 410.820 liều vaccine các loại, gồm Astra Zeneca, Pfizer và VeroCell. Với tốc độ tiêm hiện nay, số vaccine này sẽ tiêm hết trong khoảng 2 - 3 ngày tới.

Như vậy, TPHCM còn cần hơn 1,8 triệu liều vaccine. Ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết Sở Y tế đã báo cáo TPHCM và đề xuất với Bộ Y tế. Theo điều kiện Trung ương phân bổ, có vaccine tới đâu thành phố sẽ tiêm tới đó.

Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Liên quan đến việc rút ngắn thời gian tiêm 2 mũi AstraZeneca từ 8-12 tuần còn 6 tuần, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết đây mới chỉ là đề xuất chứ TPHCM chưa áp dụng.

"Thành phố đã đề xuất việc này nhưng Bộ Y tế chưa trả lời nên vẫn áp dụng khoảng cách tiêm 2 mũi AstraZeneca từ 8-12 tuần" - ông Hưng nói.

Về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tầng 2 và 3, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết so với năng lực của ngành y tế thành phố, tình hình điều trị có chuyển hướng tốt. Số bệnh nhân/số giường khoảng 69,8%.

Cụ thể, TPHCM có 59.150 giường, trong đó, số bệnh nhân được điều trị tại đây là 41.297. Ở tầng 2 tỉ lệ là 69,2% và tầng 3 là 77,5%. Tuy nhiên, tỉ lệ sử dụng các biện pháp can thiệp trong điều trị nặng còn khá cao. Do đó, ông Nguyễn Hữu Hưng đánh giá số tử vong có giảm nhưng không quá lạc quan.

"Thần tốc" xét nghiệm tới ngày 30.9

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cho biết thành phố hiện đang bước vào đợt xét nghiệm thứ 4.

Cụ thể, tại các vùng đỏ và cam (nguy cơ rất cao và cao) sẽ lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình với phương pháp test nhanh mẫu gộp (2-3 người/test/hộ gia đình) hoặc RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình (toàn bộ thành viên trong một hộ test một mẫu gộp), giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh.

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Tại các vùng vàng (nguy cơ), vùng xanh và cận xanh (ít nguy cơ), làm xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho vùng xanh, vùng cận xanh và gộp 5 cho vùng vàng. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vaccine, người tiếp xúc nhiều người khác.

Hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên phải lấy 2 mẫu đại diện hộ gia đình. Giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn cho toàn bộ thành viên của các hộ gia đình trong mẫu gộp; tần suất lặp lại 5-7 ngày một lần.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, kết quả xét nghiệm đợt 3, tỉ lệ dương tính tại vùng xanh là 6,5%, vùng vàng là 0,6%.

Về việc có nhiều chuyên gia cho rằng TPHCM nên xét nghiệm chọn lọc thay vì diện rộng, ông Tâm cho biết khi đưa ra một chủ trương có nhiều ý kiến là bình thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn