MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

TPHCM: Sự sống được nối dài từ hệ thống ghép thận thiết lập bằng công nghệ

HƯƠNG SƠN LDO | 23/06/2022 18:02

TPHCM – Bằng việc xây dựng phần mềm, các đơn vị kỳ vọng sẽ minh bạch trong tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn và điều phối mô tạng. Mục tiêu giúp được nhiều bệnh nhân có cơ hội sống và được ghép thận kịp thời. 

Sự sống được nối dài

Sau bao ngày chờ đợi, cùng những cơn đau bệnh tật, bệnh nhân 17 tuổi (ngụ TPHCM) bị bệnh lý hội chứng thận hư và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 được tiến hành ghép thận. Theo gia đình chia sẻ, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, bệnh nhân không điều trị nên suy thận và nhập viện Bệnh viện Thống Nhất vào tháng 9.2021. Bệnh nhân được chạy thận 6 tháng. Ngày 10.5.2022, bệnh nhân được ghép thận và 8 ngày sau ra viện, chức năng thận đã trở lại bình thường. Người hiến thận là mẹ ruột của bệnh nhân (47 tuổi).

Các bác sĩ phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Sự sống được nối dài thứ 2 là nam thiếu niên 17 tuổi (ngụ TPHCM) bị viêm cầu thận và có thời gian dài chạy thận tại BV Nhi đồng 1 (trong 3 năm). Cuối năm 2021, bệnh nhân nhập viện vào Bệnh viện Thống Nhất. Ngày 14.6, bệnh nhân được ghép thận, sau ghép chức năng thận tốt và ngày 24.6 bệnh nhân sẽ xuất viện. Người hiến thận là cha bệnh nhân (51 tuổi).

TS.BS Nguyễn Bách - Trưởng khoa Nội thận lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, hiện bệnh viện có 200 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, 100 bệnh nhân lọc thận hồi phục. Số còn lại có 10 - 20% bệnh nhân có chỉ định ghép thận để nâng cao chất lượng cuộc sống. 

“Bệnh viện đã đưa ra những tiêu chí ghép thận vừa phù hợp về chuyên môn, vừa mang tính xã hội, kinh tế sau ghép. Sau khi đánh giá thì Khoa Nội thận lọc máu trình hội đồng ghép rà soát nhiều tiêu chí người hiến và nhận và lên lịch mổ ghép thận 2 ca đầu tiên”, TS-BS Nguyễn Bách nói

Theo bác sĩ Nguyễn Bách, ban đầu cả 2 bệnh nhân có nhiều người đăng ký hiến thận là cha, mẹ, dì và bác nhưng chỉ chọn một người phù hợp nhất với bệnh nhân.

Và đây cũng là hai ca bệnh đầu tiên được thực hiện thành công tại Bệnh viện Thống Nhất thông qua sự hỗ của Bệnh viện Chợ Rẫy, mở ra thêm cơ hội và địa điểm ghép thận có chuyên môn cao tại phía Nam. Sau các ca thành công, kỹ thuật này sẽ trở thành thường quy của bệnh viện, dự kiến đơn vị sẽ thực hiện mỗi tháng 1 ca ghép thận, đồng thời tiến tới ghép gan, tim, phổi sớm nhất có thể.

Thiết lập mạng lưới ghép thận bằng công nghệ 

Mỗi năm, tại Việt Nam có nhiều bệnh nhân có nhu cầu được ghép thận để kéo dài sự sống. Đơn cử tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - một trong những trung tâm ghép thận lớn nhất phía Nam, từ tháng 12.1992 đến hết năm 2021, đã có 1.030 trường hợp ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuổi trung bình người hiến là khoảng 50 tuổi và tuổi người nhận là khoảng 33 tuổi. Tuy nhiên, nguồn hiến tạng vẫn còn hạn chế dẫn đến nhiều người bệnh không thể đợi được đến lúc được ghép thận và tử vong. 

Từ những thực tế trên, cải thiện và nâng cao quy trình ghép thận luôn được ngành y quan tâm. Tại phía Nam, lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Thống Nhất đã phối hợp và thiết lập quy trình mạng lưới ghép thận. 

Ông Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết phần mềm tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn và điều phối mô tạng hiến được các bệnh viện xây dựng nằm trong đề án nghiên cứu của Sở Khoa học và công nghệ TPHCM. 

Đây cũng là tâm huyết rất lớn của nhiều chuyên gia đầu ngành về hiến - ghép tạng, trong đó có giáo sư Trần Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Niệu thận TPHCM.

Theo bác sĩ Thức, trước đây việc tiếp nhận, quản lý, điều phối hiến - ghép thận ở các bệnh viện đều được thực hiện bởi con người, điều này không tránh khỏi sai sót, thậm chí không khách quan, minh bạch.

"Nhưng giờ đây với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, quản lý và điều phối sẽ giúp mã hóa tất cả các thông tin của người chờ và người hiến, do đó dù có muốn người thân quen được ghép sớm cũng không ai có thể can thiệp" - bác sĩ Thức khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn