MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trầm cảm ở thanh thiếu niên, những biểu hiện cảnh báo tự hủy hoại bản thân

NGUYỄN LY LDO | 26/03/2022 06:03
TPHCM – “Mỗi lần con tự cắt tay, chân chảy máu, nhìn thấy máu chảy, con cảm thấy dễ chịu hơn, không còn nghĩ đến tự sát nữa”, một trường hợp đến khám tâm lý tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM chia sẻ.

20 tuổi, là độ tuổi đẹp nhất của một đời người, nhưng đối với em N.M.K (quận Tân Phú, TPHCM), mọi chuyện lại không như vậy. Khi đến gặp bác sĩ tại Phòng khám tâm lý, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, em K. có biểu hiện rõ ràng của các triệu chứng trầm cảm như: Mất hứng thú, mất ngủ, giấc ngủ ngắn, thậm chí có triệu chứng tự huỷ hoại bản thân bằng những vật sắc nhọn nhằm giải toả tâm lý. 

Theo chia sẻ của BS CKII Lâm Hiếu Minh - Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, người trực tiếp điều trị cho K: “Bệnh nhân đã chia sẻ với tôi rằng “con rất sợ tự sát nên thường lấy những vật sắc nhọn, mảnh vỡ trong nhà để làm rách tay hoặc chân, mỗi lần nhìn thấy máu chảy ra, con cảm thấy dễ chịu hơn, không nghĩ đến tự sát nữa”, những bệnh nhân như vậy chúng tôi gặp thường xuyên”. 

BS CKII Lâm Hiếu Minh - Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: BVCC  

Để điều trị tốt cho K., BS Lâm Hiếu Minh đã dùng các liệu pháp tâm lý, trò chuyện với bệnh nhân và phối hợp với gia đình hỗ trợ, thời gian sau K. dần hồi phục. 

Trường hợp của K. không phải là trường hợp duy nhất tại Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Đặc biệt, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, số bệnh nhân đến khám về các vấn đề tâm lý nhiều hơn, trong đó phần lớn là trẻ em từ 15-20 tuổi đến khám chủ yếu với biểu hiện rối loạn trầm cảm. 

Về mặt sinh học, ở tuổi thanh niên xuất hiện trầm cảm sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, không có năng lượng, dễ nóng nảy, bứt rứt, mất ngủ. Tổ chức Y tế thế giới cũng cho biết, thanh thiếu niên bị trầm cảm dễ gây ra hành vi xung động, chống đối xã hội. Điều này khác với trầm cảm ở người lớn, họ thường thu lại, ít giao tiếp và tiêu cực. 

BS CKII Lâm Hiếu Minh cho biết thêm: “Điều trị trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên nổi bật nhất vẫn là điều trị tâm lý. Tuy nhiên, trầm cảm vẫn có thể tái phát trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, khi người bệnh có những biến cố ảnh hưởng đến tâm sinh lý như: sinh em bé, tiền mãn kinh, thay đổi công việc, môi trường sống, gia đình…”.

Ngoài liệu pháp tâm lý, trong những trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc chống trầm cảm, giải lo âu. Thuốc sẽ có tác dụng nhiều trong giai đoạn bệnh trầm cảm nặng, có biểu hiện gây mê, tự sát hoặc hoang tưởng thì cần dùng tới thuốc kết hợp liệu pháp tâm lý từ bác sĩ và gia đình. 

Gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên cần dành nhiều thời gian chăm sóc, trò chuyện với trẻ. Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng bất thường về tâm lý, phụ huynh cần đưa con đến các bệnh viện có chuyên khoa tâm lý để can thiệp kịp thời, tránh để lâu sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, khả năng tiếp thu trong học tập của trẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn