MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng rụng tóc của trẻ được cải thiện sau điều trị. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh TPHCM

Trẻ bị rụng tóc từng mảng, cẩn thận nguy cơ hói đầu vĩnh viễn

Thanh Thanh LDO | 27/02/2024 16:10

Tình trạng rụng tóc mảng phổ biến ở mọi giới tính, lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể bị tổn thương nang tóc vĩnh viễn, tóc không thể mọc lại ở chỗ hói.

Theo TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, rụng tóc là tình trạng tóc rụng nhiều hơn 100 sợi hàng ngày và tốc độ mọc tóc chậm hơn tốc độ rụng tóc, dẫn tới tóc mỏng và thưa chỉ trong thời gian ngắn. Tình trạng rụng tóc mảng phổ biến ở mọi giới tính, lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vừa điều trị 2 bệnh nhi 9 tuổi và 12 tuổi bị rụng tóc mảng thể trung bình, các nang tóc dưới da thưa thớt. Theo đó, bé gái 12 tuổi, đến khám vì có mảng hói bằng đồng xu trước trán. Bé trai 9 tuổi đến khám vì vùng xoáy tóc thưa thớt tóc, lộ mảng da trơn bóng bằng 2 lóng tay. Sau thời gian điều trị, tình trạng tóc của 2 trẻ đã cải thiện.

Bác sĩ Ngọc Bích cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rụng tóc ở trẻ em. Một số trường hợp do rối loạn tự miễn. Có nghĩa là, vì một sự nhầm lẫn, hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các nang tóc, khiến tóc rụng và cản trở tóc mọc lại. Những khoảng trống do tóc rụng thường ngứa, mẩn đỏ; còn phần tóc và da đầu xung quanh mảng rụng vẫn khỏe mạnh.

Nấm da đầu là nguyên nhân phổ biến khác gây rụng tóc mảng. Bệnh khiến tóc giòn, dễ gãy, đau da đầu, ngứa nhiều. Sau đó, tóc rụng dần và xuất hiện các đốm hói nhỏ có vảy màu xám, đỏ. Nếu không được điều trị kịp thời, kích thước mảng hói sẽ tăng lên, chứa mủ.

Ngoài ra, căng thẳng do áp lực trong học tập, sinh hoạt; trẻ mới trải qua một đợt ốm; cơ thể thiếu dinh dưỡng; thay đổi nội tiết tố khi dậy thì; chăm sóc tóc sai cách… cũng khiến trẻ dễ rụng tóc mảng. Tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như chứng nghiện giật tóc, bệnh tuyến giáp, thương hàn, ho lao, viêm xoang, ung thư giai đoạn cuối…

Bác sĩ Ngọc Bích khuyến cáo, khi thấy trẻ có các dấu hiệu như rụng tóc, lông mi, lông mày nhiều hoặc các mảng da bị rụng tóc trơn láng, có hình tròn hoặc oval với giới hạn rõ, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị tổn thương nang tóc vĩnh viễn, tóc không thể mọc lại ở chỗ hói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn