MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản phụ điều trị tại Bệnh viện ĐK tỉnh Khánh Hòa (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa: Thanh tra Sở Y tế “ngâm” đơn

Tổ PVMT LDO | 08/05/2015 13:21
Liên quan đến vụ con trai sản phụ Hoàng Thị Th tử vong tại BVĐK Khánh Hòa, Báo Lao Động đã có loạt bài điều tra, phân tích rõ trách nhiệm của BS Trần Thị Thúy Nga - Phó khoa Sản Phụ và BS Nguyễn Thị Phượng phụ trách kíp trực đêm 12.12.2014. Dù gia đình nạn nhân và dư luận đã nhiều lần “lên tiếng”, nhưng sau 4 tháng tiếp nhận đơn khiếu nại, Thanh tra Sở Y tế Khánh Hòa vẫn... “nghiên cứu” và phức tạp hóa vấn đề.

Chuyển từ BV công về phòng khám riêng

Sản phụ Hoàng Thị Th (SN 1979, trú số 2 đường Hương Điền, TP.Nha Trang) suốt thời kỳ mang thai thường xuyên đến Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản Khánh Hòa thăm khám đúng định kỳ. Kết quả siêu âm lần nào cũng thể hiện tình trạng thai nhi bình thường. Lần cuối cùng vào 13.11.2014, BS kết luận 1 thai sống, ngôi đầu đang tiến triển trong tử cung khoảng 38-39 tuần, dự kiến ngày sinh là 4.12.2014. Ngày 8.12.2014, sau khi đến BVĐK Khánh Hòa thăm khám lần thứ 2, chị Th nhập viện theo lời khuyên của BS vì kết quả siêu âm thể hiện “ối hơi ít”.

Theo điều tra của PV Báo LĐ, 2 ngày sau khi làm thủ tục nhập viện điều trị nội trú, chị Th đã tìm gặp BS Trần Thị Thúy Nga - Phó khoa Sản phụ BVĐK Khánh Hòa để xin được tư vấn thêm. Theo hướng dẫn của BS Nga, chị Th được đưa từ khoa Sản đến phòng khám tư của BS Nga để “kiểm tra lại”, đồng thời ký hợp đồng điều trị “dịch vụ theo yêu cầu” với giá 6 triệu đồng, điều kiện thống nhất thỏa thuận là “BS Nga trực tiếp đỡ đẻ hoặc mổ”. Tại nhà riêng, BS Nga đã viết giấy giới thiệu cho chị Th chuyển từ phòng chờ ở khoa Sản sang phòng chờ sinh (số 901) của khu điều trị theo yêu cầu.

Lúc 21h30 đêm 12.12.2014, khi bắt đầu đau bụng chuyển dạ, chị Th gọi điện thoại thông báo với BS Nga thì chỉ nhận được câu trả lời: “BS bận ở nhà, đã gửi cho BS khác trong ca trực tại BV”. Rất tiếc, thời điểm ấy, BS Nguyễn Thị Phượng phụ trách kíp trực đã không thăm khám cho sản phụ Th và không có bất cứ động thái gì thể hiện trách nhiệm của người thầy thuốc đối với bệnh nhân cần cầp cứu.

Ông Võ Duy Dũng, chồng của chị Th kể: “Tôi không rõ giữa BS Phượng và BS Nga có mâu thuẫn hay là vì sự ràng buộc của bản hợp đồng thỏa thuận điều trị theo yêu cầu, chỉ biết rằng, khoảng 0h30 ngày 13.12.2014, BS Nga đến BV khám cho vợ tôi và thông báo với gia đình rằng ối đã vỡ, nước ối xấu có màu xanh, cần phải mổ ngay. Lúc 1h40 sáng 13.12.2014, ca mổ kết thúc, tôi nhìn thấy con trai tôi nằm bất động,đã tử vong vì hít nhiều phân su”.

Trốn tránh trách nhiệm và thiếu y đức

Căn cứ biên bản làm việc giữa lãnh đạo BVĐK Khánh Hòa và gia đình chị Th (ngày 31.12.2014), BS Cao Việt Dũng - PGĐBV - thừa nhận “kíp trực đã tiên lượng sai”; riêng BS Nga sai chồng sai vì “không giải thích đầy đủ cho bệnh nhân và tự ý vào BV mổ đẻ trong lúc không phải ca trực của mình”. Tuy nhiên BS Dũng không đề cập đến trách nhiệm cũng như y đức của người phụ trách kíp trực là BS Phượng và cũng không xem xét trách nhiệm của BS Nga khi “móc” bệnh nhân điều trị nội trú tại BV về phòng khám tư của mình để ký hợp đồng dịch vụ, rồi đơn phương hủy bỏ hợp đồng mà không cần giải thích với khách hàng.

Trong quyết định giải quyết đơn khiếu nại của ông Võ Duy Dũng do BS Nguyễn Văn Xáng - GĐ BVĐK Khánh Hòa ký ngày 13.1.2015, ghi: “BV đã xử lý kịp thời và đúng quy trình”, và rằng, “BV đã làm đúng theo giấy khám chữa bệnh theo yêu cầu”, và còn cho rằng “hoàn toàn không có hợp đồng nào cả”(!?).

Nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn trong Khoa Phụ sản BVĐK Khánh Hòa là văn bản quy định về việc “đẻ và mổ đẻ theo yêu cầu của BS, NHS khoa sản phụ”, do BS Nguyễn Thị Thanh Tâm (trưởng khoa) ký và được GĐBV cho phép triển khai thực hiện kể từ ngày 2.1.2014. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng, bởi sau rất nhiều sự cố dẫn đến chết người, thời điểm này, “luật riêng” của Khoa Phụ sản vẫn có hiệu lực thi hành. 

Trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động, vì sao Thanh tra Sở Y tế nghiên cứu đơn khiếu nại lâu thế, chiều 5.5, GĐ Sở Y tế Bùi Xuân Minh nói: “Vụ việc quá phức tạp, chúng tôi phải mời các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu và phân tích hồ sơ bệnh án, nên cần có thời gian”. Về văn bản quy định như luật riêng của Khoa Phụ sản, BS Nguyễn Văn Xáng, nói: “Nhằm “bảo vệ sức khỏe của các thầy thuốc”!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn