MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trẻ uống thuốc kháng virus Molnupiravir khi chưa đủ tuổi hại nhiều hơn lợi

NGUYỄN LY LDO | 15/03/2022 12:03

TPHCM – Mong con âm tính trở lại nhanh chóng, một người mẹ đã xin thuốc Molnupiravir của hàng xóm về cho con uống, sau đó mới phát hiện thuốc chống chỉ định cho trẻ nhỏ sử dụng. 

Đó là trường hợp của bé trai 7 tuổi (ngụ ở huyện Bình Chánh, TPHCM), khi mắc COVID-19 được 6 ngày nhưng vẫn chưa âm tính trở lại, mẹ của bé đã nghe thấy hàng xóm uống thuốc Molnupiravir, 3 ngày sau hết bệnh nên chị đã xin một viên về cho uống. Khoảng một ngày sau mẹ bé mới phát hiện thuốc chống chỉ định với trẻ em dưới 18 tuổi. 

Thuốc Molupiravir điều trị cho người trên 18 tuổi. Ảnh: Nguyễn Ly 

“Tôi thấy người hàng xóm mắc COVID-19 uống 2 viên thuốc Molnupiravir 400mg sau 3 ngày là khỏi bệnh nên xin về cho con uống. Sau đó khi biết trẻ em không được uống thuốc Molnupiravir tôi rất lo. Hiện cháu không bị mệt hay phản ứng với thuốc nhưng tôi không biết có ảnh hưởng gì khác không”, chị Hồng chia sẻ.

Theo các bác sĩ, tính đến hiện tại thuốc Molnupiravir là thuốc được FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt khẩn cấp để điều trị COVID-19 cho F0 ở mức độ nhẹ. Thuốc này chỉ dành cho người từ 18 tuổi trở lên, chống chỉ định ở trẻ em.

BS Lê Quang Mỹ - Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết: Theo một số nghiên cứu, thuốc Molnupiravir được cho rằng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, cụ thể là xương và sụn, ảnh hưởng khả năng sinh sản. Mặc dù các nghiên cứu khuyến cáo tác động có thể xảy ra trong vòng 3 tháng từ liều cuối cùng, nhưng những tác động về lâu dài lên hệ sinh sản vẫn chưa rõ ràng. 

Bác sĩ Mỹ nói thêm, theo thống kê, hầu hết các ca mắc COVID-19 ở trẻ em đều nhẹ, các bé khỏi bệnh với những chăm sóc thông thường như hạ sốt, bù nước, dinh dưỡng đảm bảo, nghỉ ngơi. Vì vậy, việc sử dụng một loại thuốc như Monulpiravir mang nhiều mối nguy hại hơn là lợi ích. 

Với cơ chế tác dụng của thuốc Molnupiravir ngăn chặn sự nhân lên của virus bằng cách tác động vào gene của virus. Thế nên, các nhà nghiên cứu còn lo lắng về tác động lâu dài của thuốc lên trẻ nhỏ, vì vẫn có một khả năng làm đột biến gene khác của cơ thể.

Như vậy, với trường hợp của bé trai, bác sĩ khuyên chị Hồng nên ngưng thuốc Molnupiravir ngay cho trẻ. Theo dõi chặt các biểu hiện ở bé, nếu bé trai bị ngứa, vàng da, tiểu ít… thì có thể đã bị tác dụng phụ của thuốc, gia đình đưa bé đến bệnh viện có chuyên khoa nhi để được thăm khám kỹ hơn, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. 

Nếu trẻ có diễn tiến nhẹ như sốt cao không hạ, tiêu chảy, nôn ói, co giật, thở nhanh và gắng sức, SpO2 dưới 95% kèm thở mệt, lừ đừ, tiếp xúc chậm hoặc lơ mơ, bé than đau tức ngực, da nhợt nhạt, trẻ không ăn uống được… đưa trẻ đến bệnh viện có đơn vị, khoa điều trị COVID-19 càng sớm càng tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn