MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảng giá dịch vụ kỹ thuật y tế tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hải Nguyễn

Trên 11.000 dịch vụ y tế không có quy trình kỹ thuật!

Văn Nguyễn LDO | 02/10/2020 17:12

Kết quả kiểm toán cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các bệnh viện công lập do Kiểm toán Nhà nước thực hiện chỉ ra nhiều vấn đề trong việc xây dựng giá dịch vụ y tế, thu vượt, thu sai quy định cũng như các khoản thu chưa có trong cơ cấu giá hay không có trong danh mục giá dịch vụ khám chữa bệnh. Việc xây dựng danh mục và định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ y tế tại các bệnh viện công lập thực hiện cơ chế tự chủ chưa đầy đủ khiến trên 11.000 dịch vụ y tế không có quy trình kỹ thuật.

Kiến nghị xử lý tài chính 610 tỉ đồng

Các kết quả kiểm toán chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập và các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2016-2018 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đợn vị sự nghiệp công lập thời gian qua đạt được một số kết quả nhất định như chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về bộ máy, tự chủ về tại chính, tăng cường tích lũy cũng như cải thiện thu nhập của viên chức và người lao động.

Tuy nhiên theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, quá trình kiểm toán cũng chỉ ra một số bất cập về cơ chế, chính sách gây khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện tự chủ của các trường đại học, bệnh viện công lập.

Đáng chú ý, cũng theo Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm toán chuyên đề nói trên kiến nghị xử lý tại chính 610 tỉ đồng. Trong đó nộp vào ngân sách Nhà nước gần 382 tỉ đồng; giảm dự toán, thanh toán năm sau 222,5 tỉ đồng; các khoản giảm chi và các khoản chuyển quyết toán năm sau 4,3 tỉ đồng và hủy dự toán 2,1 tỉ đồng. Riêng với các trường đại học công lập thực hiện cơ chế tự chủ, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều vấn đề như việc xác định mức độ tự chủ chưa đúng dẫn đến việc cấp hỗ trợ ngân sách nhà nước chưa sát tình hình thu chi tài chính tại các đơn vị, do đó có đơn vị được cấp thừa và có đơn vị bị cấp thiếu.

Đồng thời cũng chưa có quy định cụ thể về mô hình tổ chức, phương thức quản lý, cơ chế quản lý tài chính cũng như cơ chế góp vốn, sử dụng tài chính, tài sản công và trách nhiệm của trường đối với kết quả hoạt động của đơn vị trực thuộc trường đại học công lập, như viện, trung tâm, công ty, doanh nghiệp.

“Tình trạng thu vượt trần học phí và thu các khoản chưa có trong quy định của Nghị định 86/2015 của Chính phủ (về cơ chế thu, quản lý học phí cơ sở - PV) diễn ra khá phổ biến”. Cụ thể theo Kiểm toán Nhà nước, các trường thu vượt học phí 136 tỉ đồng (trong đó chủ yếu thu vượt học phí chính quy chiếm 55,8% tổng số thu vượt) và thu các khoản chưa có trong quy định 227,5 tỉ đồng, với chủ yếu là các khoản thu về thi sát hạch tin học và ngoại ngữ.

Trên 11.000 dịch vụ không có quy trình kỹ thuật

Đối với các bệnh viện công thực hiện cơ chế tự chủ, theo Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm toán chuyên đề chỉ ra việc thực hiện cơ chế tự chủ trong giai đoạn 2016-2018 cho thấy việc phân cấp quyền tự chủ tổ chức bộ máy cho các bệnh viện còn chậm và hầu hết các bệnh viện chưa được quyền chủ động trong công tác tuyển dụng, phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu tổ chức. Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng chưa ban hành được tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo từng lĩnh vực chuyên môn y tế, chưa có hướng dẫn về chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn chuyên môn và chưa có cơ quan kiểm định, đánh giá chất lượng của cơ sở y tế, chất lượng có một số dịch vụ y tế cơ bản.

Liên quan đến giá dịch vụ y tế và khoản thu tại các bệnh viện công lập thực hiện cơ chế tự chủ, Kiểm toán Nhà nước cho hay theo kết quả kiểm toán, ngân sách nhà nước cấp cho một số bệnh viện tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động chưa phù hợp và vẫn thực hiện cấp kinh phí thường xuyên cho một số bệnh viện có mức độ tự chủ lớn hơn 100%, trong đó tập trung nhiều nhất tại TP.Hà Nội với 22 bệnh viện và số tiền 355,4 tỉ đồng, TP.Hồ Chí Minh với 19 bệnh viện và số tiền 1.170,1 tỉ đồng.

Một nội dung đáng chú ý khác theo kết quả kiểm toán chuyên đề là việc xây dựng, phê duyệt danh mục và định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ y tế tại các bệnh viện công lập thực hiện cơ chế tự chủ còn chậm, chưa đầy đủ. Cụ thể trong tổng số hơn 18.200 danh mục dịch vụ kỹ thuật chỉ có hơn 9.100 giá dịch vụ y tế và cũng chỉ có khoảng 947 dịch vụ trong số này được xây dựng dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật, hơn 4.000 danh mục dịch vụ kỹ thuật chưa được xây dựng giá và trên 11.000 dịch vụ còn lại không có quy trình kỹ thuật. “Nhiều bệnh viện còn hiện tượng thu vượt, thu sai (thu các khoản đã có trong cơ cấu giá), thu các khoản chưa có trong cơ giá, không có trong danh mục giá dịch vụ khám, chữa bệnh” - Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 9 (Quốc hội khóa XIV), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng cho hay, qua kiểm toán cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2016-2018 còn vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện... N.Văn

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn