MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS.BS Trương Quang Định - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - Trưởng ekip phẫu thuật chia sẻ với Lao Động sau cuộc phẫu thuật tách hai bé song sinh dính liền. Ảnh: Anh Tú

Trưởng ekip phẫu thuật: "Đến mũi khâu cuối cùng, hai bé đều ổn định"

Nhóm PV LDO | 15/07/2020 21:20

Vừa bước ra từ phòng mổ, TS.BS Trương Quang Định - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - Trưởng ekip phẫu thuật đã có cuộc trao đổi nhanh với Báo Lao Động về ca mổ tách hai bé song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi dính liền nhau. 

Xin ông cho biết kết quả bước đầu về ca mổ tách hai bé gái song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi dính liền nhau?

- Cho tới giờ phút này, ca mổ đã hoàn thành. Hai bé đã được tách rời nhau và chuyển qua phòng hồi sức sau khi các bác sĩ hoàn tất khâu tạo hình cuối cùng, khâu vết mổ, bó bột. 

Tuy nhiên, đây chỉ là thành công bước đầu, sẽ là khó khăn và thử thách rất lớn ở đoạn đường tiếp theo. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao để tiếp tục hoàn tất một cách trọn vẹn.

 Hai bé được phẫu thuật tách rời chuyển ra phòng hồi sức tiếp tục theo dõi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Khi chạm vào vết rạch đầu tiên để tiến hành ca mổ, cảm xúc của ông như thế nào? 

- Khi chạm vào vết rạch đầu tiên, thử thách của tôi rất lớn. Cảm giác thử thách này không phải riêng hôm nay, mà là cả quá trình sơ sinh đầy sóng gió của hai cháu.

Bé Diệu Nhi rất yếu, chúng tôi đã dành rất nhiều tâm sức để cứu bé. May mắn là ca mổ hôm nay được sự góp ý chuyên môn của rất nhiều chuyên gia y tế cùng với sự phối hợp nhịp nhàng của ekip nên đã diễn ra thành công, tương đối trùng khớp với kế hoạch đặt ra. Ca mổ tương đối suôn sẻ mặc dù trải qua thời gian khá dài.

 Hình ảnh ghi nhận trong phòng mổ. Ảnh: Nhàn Phúc

Trong thời gian dài phẫu thuật, ekip có gặp điều gì khó khăn không, thưa ông? 

- Quá trình mổ không gì khó khăn, chỉ là bé Diệu Nhi sốc và biến chứng về thần kinh nên việc gây mê khiến sinh hiệu bé tương đối dao động.

Ngoài ra, hai em bé đã hơn 1 tuổi nên xương đã tương đối cứng khiến quá trình tách hai cháu gặp một ít khó khăn. Nhưng nhìn chung, tất cả đều đã vượt qua, hai bé truyền máu không nhiều. Vui mừng nhất là đến mũi khâu cuối cùng thì hai bé đều ổn định.

Khoảnh khắc nào ông nhớ nhất trong suốt ca mổ? 

- Khoảnh khắc nhớ nhất đối với tôi là lúc kẹp mạch máu và tách bé ra. Các bé có chung đường tiêu hóa, có chung đường tiết niệu, vùng xương chậu dính với nhau, có nghĩa là một số cơ quan trên cơ thể của hai cháu là duy nhất. Câu hỏi khó nhất với chúng tôi là phân chia các cơ quan này thế nào, có thể phân chia được hay không?

Hai bé sống với nhau cộng sinh, phụ thuộc nhau trong thời gian dài thì khi tách nhau ra sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim, sinh hiệu. May mắn khi hai bé tách ra, sinh hiệu các cháu đều ổn định. Ekip chúng tôi hết sức vui mừng.

 Sau ca mổ, hai bé có sinh hiệu ổn định, tiếp tục theo dõi, điều trị. Ảnh: Nhàn Phúc

Sau ca mổ, dự kiến sẽ điều trị cho hai cháu thế nào? 

- Việc điều trị hai cháu là quá trình lâu dài. Trước mắt, quá trình hồi sức, nhiễm trùng sau mổ là điều chúng tôi phải lưu ý. Sau đó, để tái tạo đường tiêu hóa, đường tiết niệu..., các bác sĩ sẽ phẫu thuật lại trong vòng 3 tháng nữa.

Hai bé là bé gái, sẽ còn tính đến chuyện sinh đẻ về sau nữa, nên chúng tôi vẫn còn tiếp tục đồng hành. Dự kiến, sẽ tập vật lý trị liệu để sau này các cháu có thể đi lại. Về lâu về dài, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và điều trị đến khi hai bé trưởng thành.

Xin cảm ơn về những chia sẻ của ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn