MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh. Ảnh: Hương Giang

Trường hợp được miễn thực hành khám, chữa bệnh để cấp chứng chỉ hành nghề

Thùy Linh LDO | 08/09/2023 15:41

Tại dự thảo Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ Y tế nêu rõ các trường hợp phải thực hành, được miễn thực hành để cấp mới chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tại dự thảo, về nội dung quy định các đối tượng phải thực hành và trường hợp được miễn thực hành khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề, Bộ Y tế nêu rõ, đối tượng phải thực hành là người đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo một trong các chức danh sau: Bác sĩ; Y sĩ; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Dinh dưỡng lâm sàng; Cấp cứu viên ngoại viện; Tâm lý lâm sàng.

Các trường hợp được miễn thực hành khám bệnh, chữa bệnh

Người đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa theo quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe;

Người có văn bằng bác sĩ đã hoàn thành phần đào tạo cơ bản tối thiểu 12 tháng của chương trình đào tạo bác sỹ nội trú.

Người đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp giấy phép hành nghề và giấy phép hành nghề đó đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thừa nhận. Giấy phép hành nghề do nước ngoài cấp phải đúng chức danh, phạm vi đề nghị cấp giấy phép hành nghề ở Việt Nam.

Nội dung thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Kỹ năng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với văn bằng chuyên môn của người thực hành.

Kỹ thuật hồi sức cấp cứu, an toàn người bệnh, xử lý sự cố y khoa.

Kiến thức pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề, kỹ năng giao tiếp và ứng xử đối với người bệnh.

Cơ sở thực hành phù hợp với chức danh nghề nghiệp

Đối với chức danh bác sĩ: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện có khoa tương ứng.

Đối với chức danh y sĩ: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện có khoa tương ứng với văn bằng chuyên môn của y sĩ, bệnh xá thuộc lực lượng vũ trang có giường bệnh nội trú.

Đối với chức danh điều dưỡng: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện, bệnh xá thuộc lực lượng vũ trang có giường bệnh nội trú.

Đối với chức danh hộ sinh: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là nhà hộ sinh hoặc bệnh viện có khoa phụ sản và khoa nhi.

Đối với chức danh kỹ thuật y: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện, bệnh xá thuộc lực lượng vũ trang, phòng khám có phạm vi hoạt động phù hợp với nội dung thực hành của kỹ thuật y.

Đối với chức danh cấp cứu ngoại viện: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện hoặc cơ sở cấp cứu ngoại viện.

Đối với chức danh dinh dưỡng lâm sàng: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện và có khoa dinh dưỡng.

Đối với chức danh tâm lý lâm sàng: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là cơ sở tâm lý trị liệu, bệnh viện chuyên khoa tâm thần, bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa có khoa tâm thần hoặc khoa tâm lý trị liệu.

Thời gian thực hành khám, chữa bệnh đối với các chức danh chuyên môn

Bộ Y tế nêu rõ, thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với từng chức danh đối với bác sĩ là 12 tháng; Đối với y sĩ là 9 tháng; Đối với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, tâm lý lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện là 6 tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn