MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ y tế chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19 trong đợt dịch ở Hải Dương. Ảnh: Bộ Y tế

Từ bài học thiếu oxy y tế ở Ấn Độ: Phải siết chặt hệ thống y tế dự phòng

Thùy Linh LDO | 25/04/2021 18:03

"Khi số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, ngành y tế sẽ không còn khả năng tuyến trên chi viện, tăng cường cho tuyến dưới nữa, vì lúc đó, tất cả đều cùng một "mặt trận". Như vậy, nếu "vỡ trận" y tế dự phòng thì chắc chắn sẽ "vỡ trận" điều trị"- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Bài học vỡ trận hệ thống điều trị từ Ấn Độ

ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, người đã trực tiếp chỉ huy công tác điều trị tại các ổ dịch COVID-19 lớn thời gian qua nhận định: "Câu chuyện thiếu oxy y tế ở Ấn Độ là do quá tải hệ thống y tế, khi số bệnh nhân mắc COVID-19 tăng kỉ lục. Hiện nay, công tác điều trị ở Việt Nam chưa bao giờ gặp phải tình trạng thiếu oxy, kể cả trong dịch COVID-19, do chúng ta đã kiểm soát, khống chế dịch tốt".

Từ bài học ở Ấn Độ, cho thấy, chỉ khi làm tốt công tác y tế dự phòng mới có thể đỡ được gánh nặng cho công tác điều trị, mới có thể tránh được các nguy cơ quá tải hệ thống y tế, dẫn đến thiếu vật tư y tế, thuốc men, không còn khả năng điều trị cho bệnh nhân.

Trong dịch COVID-19, chúng ta có thể cảm nhận rõ sự đoàn kết, tương trợ hết sức quý báu trên khắp các tuyến của hệ thống y tế của Việt Nam. Ảnh: Bộ Y tế

"Nếu không dự phòng được thì không hệ thống điều trị nào có thể chịu được, kể cả những nước có y tế tiên tiến nhất như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chưa có công bố nào so sánh, kết luận về sự bùng phát dịch ở Ấn Độ nhưng tỉ lệ tử vong cao trong đợt dịch hiện nay tại Ấn Độ, một phần là do sụp đổ hệ thống bệnh viện. Kể cả bệnh nhân nặng cũng không còn chỗ nằm điều trị. Nhân viên y tế thì kiệt sức. Thiết bị vật tư y tế thuốc men không cung ứng kịp..."- ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa nói.

Theo BS Nguyễn Trọng Khoa, đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 300.000 ca mắc mỗi ngày- một con số kỉ lục. Campuchia cũng đã vượt 600 ca mỗi ngày.

"Có thể nhận thấy, chiến lược trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam là vô cùng đúng đắn. Vì vậy, đến nay, số ca mắc ở Việt Nam chưa bao giờ vượt quá 2 con số mỗi ngày. Đây là một thành công, một may mắn cho ngành y tế nói riêng và công tác điều trị nói chung"- ông Khoa bày tỏ.

Phải siết chặt hệ thống y tế dự phòng

Đồng quan điểm, theo phân tích của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Việt Nam có lợi thế hơn các nước là chưa có nhiều ca bệnh.

"Kinh nghiệm chống dịch của các nước cho thấy, kể cả các nước có nền y học phát triển, hiện đại như Anh, Mỹ... hay cả những nước y tế còn khó khăn, nếu như để cho y tế dự phòng "vỡ trận", số ca mắc cao thì những người nhập viện sẽ nhiều, từ đó y tế điều trị không còn khả năng chống đỡ nữa"- PGS Phu nói.

Theo vị chuyên gia này, quá nhiều người nhiễm bệnh thì người dân sẽ không được tiếp cận với y tế, sẽ không được chăm sóc y tế, dẫn đến tử vong.

"Đáng lo ngại là, nếu dịch bùng phát, số ca mắc nhiều thì những người có nguy cơ nhất đó chính là những người già, người mắc bệnh nền... Khi mắc bệnh, các đối tượng yếu thế này sẽ có nguy cơ bệnh nặng hơn, điều trị rất khó khăn, tỉ lệ tử vong rất cao"- ông nói.

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Hải Dương. Ảnh: Bộ Y tế

Theo PGS Phu, khi số ca mắc tăng lên, ngành y tế sẽ không còn khả năng tuyến trên chi viện, tăng cường cho tuyến dưới nữa, tỉnh nọ không chi viện được tỉnh kia nữa. Như vậy, nếu "vỡ trận" y tế dự phòng thì chắc chắn sẽ "vỡ trận" điều trị. Điều này xảy ra không loại trừ các nước có nền y học tiên tiến, phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn