MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài xế B. có dấu hiệu đột quỵ, gục xuống vô lăng khi đang lái xe. Ảnh cắt từ camera

Từ vụ tài xế đột quỵ khi đang lái xe, bác sĩ đưa ra khuyến cáo đề phòng

NGUYỄN LY LDO | 04/09/2023 16:43

Liên tiếp 2 tài xế xe ôtô khách chạy tuyến Bình Thuận - TP Hồ Chí Minh khi đang lái xe thì có dấu hiệu bị đột quỵ và tử vong trên đường. Các bác sĩ cảnh báo đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao và cách phòng ngừa.

Đột quỵ xuất huyết não không phải là căn bệnh mới, nhưng chưa bao giờ hết ám ảnh người bệnh khi không may mắc phải hoặc có người thân mắc phải. Bởi khi đột quỵ nếu bệnh nhân may mắn được cứu sống cũng sẽ có di chứng sức khoẻ, còn không kịp thời cấp cứu bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.

Mới nhất, camera hành trình của nhà xe V.H ghi lại cảnh tài xế N.T.B. đang lái xe chở khách từ TPHCM đến thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận), thì bị đột quỵ vào sáng 2.9. Dù vậy anh vẫn cố gắng dừng xe an toàn, không gây tai nạn cho những người khác. Sau đó, bệnh nhân đã không qua khỏi.

This browser does not support the video element.

Camera ghi lại cảnh tài xế B. đang lái xe có dấu hiệu bị đột quỵ và cố gắng xử lý cho xe dừng lại. Clip: NDCC

Hay trước đó vào khoảng 12h30 ngày 1.9 tại km1726+630 Quốc lộ 1A qua thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cũng xảy ra vụ tài xế lái ôtô chở khách nghi bị đột quỵ và tử vong.

Thời điểm trên, xe ôtô khách 16 chỗ mang BKS 61B - 013.XX do tài xế L.H.D (sinh năm 1974) điều khiển hướng Phan Thiết đi TPHCM, khi đến địa điểm trên thì có dấu hiệu bị đột quỵ và xe khách trôi, cạ vào dải phân cách cứng giữa đường mới dừng lại.

Công an huyện Hàm Thuận Nam đã khám nghiệm hiện trường, trưng cầu khám nghiệm tử thi để làm rõ.

Trao đổi với Báo Lao Động, bác sĩ, trung tá Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm Khoa Nội Thần Kinh, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, đột quỵ được chia thành 2 nhóm là nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ) và xuất huyết não (chảy máu não).

Trong đó, đột quỵ nhồi máu não chiếm 85%, đột quỵ xuất huyết não chiếm 15%. Đột quỵ có nhiều yếu tố nguy cơ, nếu không được phòng ngừa, giải quyết, điều trị làm tăng nguy cơ đột quỵ trở lại.

Cụ thể, đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não đều giống nhau ở điểm bệnh tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ cao nhất, nếu huyết áp không kiểm soát tốt khi huyết áp tăng sẽ gây vỡ mạch máu não và chèn ép mạch máu não gây ra đột quỵ.

Ngoài ra, có những yếu tố khác như đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá lipit, hút thuốc lá, béo phì … tất cả những yếu tố này đều là yếu tố gây ra đột quỵ. Nhưng tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ cao nhất.

Cũng theo bác sĩ Trọng Nghĩa, trong trường hợp những tài xế đột quỵ xuất huyết não thì huyết áp sẽ là nguyên nhân nghĩ tới hàng đầu, tỉ lệ tử vong và di chứng tăng hơn rất nhiều so với nhồi máu não.

Trong đột quỵ nhồi máu não nếu bệnh nhân được cấp cứu sớm khoảng từ 3-4,5 giờ thì bệnh nhân có phương pháp điều trị tái thông mạch máu tỉ lệ phục hồi lớn.

Tuy nhiên xuất huyết não khác, việc điều trị cho giai đoạn tối cấp và cấp điều trị xuất huyết não không như nhồi máu não, vì nhồi máu bác sĩ còn điều trị tái thông, còn xuất huyết não thì phương pháp duy nhất phòng ngừa là điều trị tăng huyết áp, trong 24h giờ không để cho khối xuất huyết tăng thêm bằng cách giải phóng huyết áp.

Bác sĩ Trọng Nghĩa khuyến cáo, người trên 50 tuổi nên 6 tháng nên đi khám sức khoẻ định kì một lần, nếu phát hiện mắc bệnh huyết áp phải điều trị liên tục. Trong đó, uống thuốc đều đặn có thể phòng ngừa đột quỵ. Đồng thời, có chế độ không nên ăn mặn hơn 6g muối/ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn