MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm vaccine cho người lao động tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM, chiều 20.6.2021. Ảnh: Anh Tú

Ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng vaccine COVID-19 tại TPHCM: Tiêm nhanh, giảm thủ tục, đảm bảo an toàn

Huyên Nguyễn LDO | 21/06/2021 09:57
Trong chiến dịch tiêm chủng vaccine đợt 4 với 836.000 liều vaccine phòng COVID-19, TPHCM huy động tổng lực hơn 1.000 đội tiêm với trên 5.000 nhân viên y tế trong và ngoài công lập tham gia. Cùng với đó, không chỉ triển khai các điểm tiêm chủng ở các bệnh viện, trung tâm y tế, lần này, thành phố còn tổ chức thêm các điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, trường học và một số khu vực khác để đảm bảo người dân được tiếp cận vaccine một cách thuận lợi và dễ dàng. Mục tiêu là 95% nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm COVID-19, làm việc trong các đơn vị trọng yếu được tiêm vaccine lần này.

Mọi công tác đều chuẩn bị “thần tốc”

“Thần tốc” là cụm từ được nhắc đến nhiều lần khi nói về chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại TPHCM từ ngày 20 đến 27.6. Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta, trong đó TPHCM là địa phương trọng điểm. Sở Y tế TPHCM đánh giá, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất với thời gian ngắn nhất từ trước tới nay tại TPHCM. Nói là thần tốc bởi thời gian cho công tác chuẩn bị được thực hiện nhanh chóng, gấp rút với quy mô lớn.

Ngày 17.6, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ đợt 5 vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca, riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM được phân bổ nhiều nhất. Ngay lập tức, TPHCM đã triển khai kế hoạch để có thể tổ chức những mũi tiêm đầu tiên.

Trong sáng 18.6, Sở Y tế TPHCM triển khai lập 1.032 đội tiêm, từ 547 đơn vị tham gia chiến dịch tiêm chủng này. Mỗi đội tiêm sẽ có ít nhất 5 nhân viên có trình độ chuyên môn, gồm một bác sĩ khám sàng lọc, 2 nhân viên tiêm vaccine, một bác sĩ và một điều dưỡng phụ trách theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm. Hơn 5.000 nhân viên y tế thuộc 1.032 đội cùng với hàng nghìn nhân viên khác tham gia các khâu như hỗ trợ lo hậu cần, điều phối, nhập liệu.

Chiều ngày 18.6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) tiếp nhận 300.000 liều vaccine Astrazeneca phòng COVID-19 từ Viện Pasteur TPHCM. Số vaccine trên được Viện Pasteur TPHCM giao cho HCDC theo đúng quy trình, được HCDC bảo quản trong kho lạnh đạt chuẩn GSP, có hệ thống theo dõi nhiệt độ bảo quản liên tục 24/24, đảm bảo nhiệt độ từ 2-8 độ C.

Theo kế hoạch, vaccine được vận chuyển về kho lạnh của HCDC trong 3 đợt (đợt 1 đã vận chuyển về kho lạnh của HCDC 300.000 liều, dự kiến đợt 2 là 300.000 liều và đợt 3 là 286.000 liều). Ngay trong sáng 19.6, TPHCM khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho 500 công nhân ở Khu Công nghệ cao, phường Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức. Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức huy động 5 đội tiêm chủng để đảm nhiệm công việc này.

Cùng với triển khai những đội hình tiêm đầu tiên, chiều 19.6, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức buổi tập huấn trực tuyến đảm bảo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các cơ sở tiêm chủng nhằm nâng cao năng lực tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 của ngành Y tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe cho người dân thành phố.

Tại buổi tập huấn trực tuyến, các thành viên trong 1.032 đội tham gia tiêm vaccine đã được tập huấn về cách khám sàng lọc trước tiêm chủng, như kỹ thuật tiêm và cách xử lý phản ứng sau tiêm.

Các bộ phận khác cũng nhanh chóng chuẩn bị các khâu cho quá trình tiêm diện rộng.

Trong khi chờ chủ trương, các sở, ban, ngành cũng lên danh sách những người thuộc diện tiêm chủng lần này. Ngày 19.6, Sở GDĐT TPHCM triển khai lấy danh sách đồng ý hoặc không đồng ý tiêm vaccine COVID-19 cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục thành phố. Danh sách này được Sở GDĐT yêu cầu phòng GDĐT phải hoành thành trước 16h cùng ngày.

Tối 19.6, mở đầu cuộc họp với báo chí, Phó Chủ tịch UBND Dương Anh Đức chia sẻ “chỉ có thể dành cho báo chí 30 phút”. Ông cho biết, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TPHCM đang vẫn đang họp cho kế hoạch tiêm chủng 836.000 liều mà TPHCM vừa được Bộ Y tế cấp và ông cũng sẽ phải tham dự cuộc họp này.

Mọi công tác từ tiếp nhận, lập kế hoạch lên danh sách và triển khai đều “thần tốc”, được tính trong những ngày ít ỏi, thậm chí, lên kế hoạch được tính theo giờ.

Ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng

Thần tốc, gấp rút nhưng phải an toàn là mục tiêu được đặt lên hàng đầu, chính vì thế, TPHCM đã phải lên kế hoạch 1 cách khoa học, đảm bảo giãn cách, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào quá trình tổ chức chiến dịch.

Sáng sớm ngày 19.6, trước khi bắt đầu những mũi tiêm đầu tiên tại lễ khởi động chiến dịch, các nhân viên, người lao động của Công ty Nipro Vietnam và Công ty FPT trong khu công nghệ cao của TPHCM đã nhận được tin nhắn của Sở Y tế mời đi tiêm ngừa vaccine COVID-19 với khung giờ và địa chỉ tiêm rõ ràng. Ngoài ra, trên nội dung tin nhắn, Sở Y tế còn nhắc người đi tiêm nhớ khai báo y tế điện tử trước khi đến điểm tiêm trong vòng 24 giờ. Kèm trong tin nhắn là đường link sẵn để khai báo.

Việc hướng dẫn, phân giờ cụ thể giúp rút ngắn thời gian người dân làm các thủ tục hành chính trước khi tiêm, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhất là giãn cách, khai báo y tế và sàng lọc trước khi tiêm.

Đặc biệt, lần này, TPHCM đã mạnh mẽ ứng dụng phần mềm quản lý tiêm chủng rộng rãi. Các thông tin về sàng lọc, tiêm chủng của từng người đến tiêm sẽ được cập nhật trên ứng dụng. Trong thời gian đối tượng tiêm chờ 30 phút sau tiêm, nhân viên y tế cũng sẽ hướng dẫn tải ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” vào thiết bị di động. Đối tượng đăng ký tài khoản trên ứng dụng này, lưu ý nhập chính xác họ tên, số điện thoại và ngày tháng năm sinh. Thông qua ứng dụng, đối tượng có thể tự cập nhật phản ứng sau tiêm trong 72 giờ tiếp theo, xem kết quả tiêm và làm tiền đề cho hộ chiếu vaccine về sau.

Gấp rút nhưng phải an toàn

Theo kế hoạch tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này, TPHCM sẽ tiếp tục tập trung tiêm vaccine cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm COVID-19, làm việc trong các đơn vị trọng yếu với mục tiêu đạt 95% trong nhóm đối tượng này được tiêm vaccine. Cùng với đó, TPHCM quan tâm tới đối tượng là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng khẳng định đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của thành phố với tốc độ triển khai thần tốc trong 7 ngày. TPHCM sẽ tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng với số lượng 650 điểm tiêm/ngày bao gồm điểm tiêm tại Trung tâm Y tế, Trạm Y tế và các điểm tiêm lưu động. Việc tổ chức các điểm tiêm đặc biệt điểm tiêm lưu động sẽ vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu tiêm đến đâu an toàn đến đó. Để đảm bảo việc giãn cách trong quá trình tiêm chủng thì mỗi điểm tiêm chỉ thực hiện cho 200 người/ngày. Nếu thực hiện đúng tiến độ thì trong một ngày sẽ có 200.000 người được tiêm chủng và sẽ hoàn thành trước ngày 27.6.

Không chủ quan khi tiêm vaccine

Tại buổi lễ khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vào ngày 19.6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhận định để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh thì 5K là cần thiết nhưng chưa đủ. Chúng ta cần có thêm biện pháp căn bản là vaccine. TPHCM đã triển khai tiêm cho 3 đợt trước đó và luôn đảm bảo an toàn. Hiện tại nguồn cung vaccine trên thế giới đang khan hiếm tuy nhiên nhà nước ta đã tiếp cận được nguồn vaccine với sự hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản là 836.000 liều được cấp cho TPHCM (bao gồm 50.000 liều dành riêng cho công an và quân đội). Đây là sự chia sẻ của nhà nước với nhân dân chính quyền TPHCM. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh mặc dù có vaccine thì chúng ta vẫn phải nhớ nguyên tắc 5K + vaccine và phát huy tốt tinh thần chống dịch như chống giặc, minh chứng cho sự đoàn kết của toàn dân tộc. HUYÊN NGUYỄN

Ưu tiên tiêm cho công nhân lao động

Ngày 20.6, TPHCM tiếp tục triển khai nhiều điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và các doanh nghiệp trọng điểm ở TPHCM. Theo đó, trong ngày 20.6, khoảng hơn 8.400 công nhân, người lao động ở các công ty và tại khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) được tiêm vaccine. Ghi nhận của phóng viên vào chiều 20.6, hơn 1.000 người lao động đầu tiên tại Công ty Cổ phần VNG (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM) được tiêm vaccine COVID-19. Hoạt động này nằm trong chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất của TPHCM. Theo đó, có 10 đội tiêm hỗ trợ cho công tác tiêm chủng chiều 20.6, gồm Viện tim TPHCM (3 đội), Bệnh viện Da Liễu (2 đội), Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (5 đội). Mỗi đội gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng.

Tham gia vào công tác tiêm chủng lần này, bác sĩ Phan Ngọc Huy (Bệnh viện Da Liễu TPHCM) cho biết: “Trong chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 đợt này của thành phố, Bệnh viện Da Liễu TPHCM có 6 đội tham gia. Tất cả thành viên đã được tập huấn rất kỹ trước đó”. Thanh Chân

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn