MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều ứng dụng khai báo y tế khiến người dân bối rối. Ảnh: Anh Tú

Ứng dụng phòng chống COVID: Cần tránh lãng phí nguồn lực, quản lý rối ren

Thiên Bình LDO | 13/09/2021 18:37
Việc mỗi bộ, ngành, tỉnh, thành triển khai 1 ứng dụng phòng chống dịch COVID-19 hay khai báo y tế khác nhau đang khiến người dùng gặp không ít khó khăn trong việc nhận diện, phải khai báo nhiều lần.

Người dân lạc trong "ma trận" ứng dụng sức khoẻ

Bluezone, VHD, Sổ sức khỏe điện tử; tokhaiyte.vn; suckhoe.dancuquocgia.gov.vn... hàng loạt các ứng dụng, trang web được đưa vào sử dụng trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã khiến cho người dân như rơi vào "ma trận".

Theo TS Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT Việt Nam, việc có quá nhiều ứng dụng về y tế, sức khoẻ đang làm khó người dân. Về mặt hiệu quả xã hội và kinh tế, rõ ràng việc phát triển nhiều ứng dụng trùng lắp dẫn đến lãng phí ngân sách, thiếu hiệu quả quản lý nguồn thông tin trong việc phòng chống dịch bệnh, kiểm soát sử dụng vaccine, tài nguyên y tế trên quy mô cả nước...

Bên cạnh đó, theo TS Hiệp, hầu hết các ứng dụng chưa có cơ chế rõ ràng về bảo mật thông tin, việc sử dụng dữ liệu hay quyền được phép thay đổi khi có sai sót. Hiện nay nhà nước cũng chưa có quy định về đơn vị được phép phát hành ứng dụng liên quan đến theo dõi y tế của người dân.

Lấy ví dụ, TS Phạm Công Hiệp cho biết, một số quốc gia gần Việt Nam hiện đang chỉ sử dụng từ 1-2 ứng ứng quản lý sức khoẻ. Cụ thể, Malaysia có 1 ứng dụng cho quản lý trong nước, và 1 ứng dụng cho người vào từ nước ngoài. Indonesia có 1 ứng dụng nhằm quản lý tất cả thông tin liên quan đến COVID và 1 ứng dụng có khả năng theo dõi di chuyển kết nối với cơ sở dữ liệu chính. Hay như Thái Lan đang sử dụng 2 ứng dụng song đều kết nối vào 1 cơ sở dữ liệu chính. 

"Có thể thấy tình trạng loạn ứng dụng theo dõi sức khỏe hiện nay 1 phần xuất phát từ nhu cầu của đơn vị chủ quản. Bộ Y tế yêu cầu dùng Sổ sức khỏe điện tử để theo dõi lịch sử chích vaccine. Bộ Công an dùng VN-EID để khai báo khi di chuyển đường bộ. Trong khó đó, bộ Giao thông và Vận tải yêu cầu đi máy bay dùng tờ khai trên Tờ khai y tế, và Bộ TT-TT yêu cầu Bluezone để theo dõi nguy cơ lây bệnh. Mới đây, Sở Y tế TPHCM ra kiến nghị thành phố sẽ dùng ứng dụng của Sở Y tế để quản lý dịch cho riêng thành phố. 

Theo tôi chỉ nên có 1 ứng dụng chính, 1 cơ sở dữ liệu gốc giúp giảm phiền toái khi phải sử dụng nhiều ứng dụng. Việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể thực hiện được dựa trên 1 cơ sở dữ liệu, như hiện giờ đang làm với quản lý căn cước công dân. Các chức năng phát sinh sau này có thể dựa trên ứng dụng chính", TS Phạm Công Hiệp đề xuất. 

Thống nhất quản lý, tránh lộ lọt thông tin

Trước lo ngại của người dân về bảo mật khi cài nhiều ứng dụng y tế, sức khoẻ trên điện thoại, chuyên gia Phạm Công Hiệp cho rằng, các ứng dụng theo dõi sức khỏe đều lưu rất nhiều thông tin cá nhân như số điện thoại, số CMND, thẻ căn cước, ngày sinh, địa chỉ, lịch sử đi lại, hồ sơ bệnh án. Đây đều là những thông tin quan trọng nên rủi ro bị tiết lộ thông tin là  hiện hữu. 

Do đó, việc thống nhất quản lý thông tin qua mã code QR, tập trung về 1 đầu mối xử lý để giảm thiểu rủi ro bảo mật thông tin là rất cần thiết. Đồng thời, TS Phạm Công Hiệp cũng kiến nghị, đơn vị phụ trách quản lý thông tin theo dõi sức khỏe cần có chứng chỉ bảo mật theo chuẩn quốc gia và quốc tế để đảm bảo việc lưu trữ, chia sẻ thông tin được an toàn cao nhất có thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn