MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo PGS Trần Đắc Phu, trong thời điểm hiện tại, cần cách ly phòng chống COVID-19 theo diện hẹp nhất có thể. Ảnh: Hải Nguyễn

Ứng phó COVID-19 trong tình hình mới: Phong tỏa hẹp nhất, không cấm đi lại

Thùy Linh LDO | 10/11/2021 15:52
Tình hình dịch COVID-19 hiện nay vẫn còn phức tạp, đặc biệt tại các địa phương tiếp nhận người dân từ những tỉnh, thành phố bùng phát dịch trong thời gian qua. 

Nếu lơ là, dịch hoàn toàn có thể bùng phát trở lại

Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng nhận định: Việc mở cửa, nới lỏng chính sách để sống chung an toàn với SARS-CoV-2 không đồng nghĩa với việc buông lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang thực hiện.

Hiện nay theo Nghị quyết 128, các địa phương đã nới lỏng các hoạt động cũng như nới lỏng việc đi lại. Tại nhiều tỉnh, thành liên tiếp xuất hiện các ổ dịch mới, với nhiều ca cộng đồng. Vì vậy, chúng ta phải chấp nhận không thể “Zero COVID” trong thời điểm này.

"Chúng ta đang dần chấp nhận có những ca dương tính trong cộng đồng và điều này đã nằm trong dự báo từ trước. Tôi nghĩ rằng các địa phương vẫn phải thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ, để khống chế số mắc không được quá cao bởi nếu chúng ta để cho số ca mắc tăng quá cao sẽ gây quá tải hệ thống y tế"- PGS Phu nói. 

Theo vị chuyên gia này, một trong những điểm quan trọng là chúng ta không được phong tỏa quá rộng, gây ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội của người dân. Tuy nhiên, cũng không được buông lỏng, mà cần đánh giá nguy cơ dịch đến đâu, phong tỏa đến đó. Phong tỏa để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế và an sinh xã hội cho người dân.

Về nguyên tắc khi còn ca mắc trong cộng đồng, vẫn phải giám sát chặt chẽ dịch, nếu không kiểm soát được dịch sẽ có nguy cơ bùng phát. "Tôi cho rằng, trong việc phòng chống dịch, càng phát hiện ca bệnh sớm càng tốt, quây ổ dịch càng nhỏ càng tốt. Chúng ta vẫn phải thực hiện các công việc như truy vết, có ổ dịch nào vẫn phải phong tỏa, có các biện pháp dập dịch, phong tỏa diện hẹp nhất có thể, phong tỏa theo nguy cơ không để ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Không vì dịch mà cấm đi lại của người dân"- PGS Phu nhấn mạnh. 

Hiện nay, tình trạng chủ quan, tập trung đông người, không thực hiện tốt 5K,... sau khi được nới lỏng có thể tạo điều kiện cho SARS-CoV-2 lan ra nhiều khu vực, đặc biệt nguy hiểm tại những nơi có tỉ lệ tiêm chủng vaccine còn thấp.

Vì vậy, chuyên gia cảnh báo tất cả địa phương đều phải cảnh giác cao độ, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm, truy vết, cách ly, khoanh vùng, phong tỏa và ngăn ngừa, tránh để ổ dịch bùng phát. Bên cạnh đó, người dân phải đảm bảo thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, nếu lơ là, chủ quan, dịch hoàn toàn có thể bùng trở lại.

Hà Nội đang trong những ngày căng thẳng

Riêng tại Thủ đô Hà Nội, những ngày này, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn bao giờ hết với số ca mắc trong cộng đồng tăng cao. Đơn cử như ngày 9.11, số ca mắc COVID-19 mới đã lên mức kỉ lục với hơn 200 ca, hơn 100 ca trong cộng đồng.

Trước tình hình này, PGS Trần Đắc Phu cho rằng Hà Nội cần cảnh giác cao độ, cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, thực hiện thích ứng, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả… để thực hiện mục tiêu kép.

PGS Phu nhấn mạnh việc xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ; đặc biệt xét nghiệm hàng ngày tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở… để phát hiện ổ dịch, khoanh vùng dập dịch kịp thời, đồng thời đánh giá nguy cơ đúng để có đáp ứng phù hợp.

Về vấn đề tiêm vaccine, Hà Nội phải tiếp tục triển khai mạnh để bao phủ tiêm đủ 2 mũi cho người dân, đặc biệt người già, người bệnh nền. Đồng thời cũng quan tâm lưu ý đến các đối tượng người nhập cư, học sinh, sinh viên ở các tỉnh về Hà Nội học tập và làm việc…Triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em.

Xem xét áp dụng cách ly tại nhà, thu gọn cách ly tập trung. Chuẩn bị cơ sở điều trị để nếu dịch có bùng ra không bị động.

Trong lúc này, cần tập trung huấn luyện, đào tạo cho y tế cơ sở để đáp ứng với nhu cầu nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Làm tốt công tác truyền thông. Triển khai mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, vì đó là cách giải quyết được nhiều ách tắc, vướng mắc, tồn tại như trong thời gian qua.

Theo PGS Trần Đắc Phu, Hà Nội cần có phương án thích ứng, linh hoạt trong đáp ứng phù hợp với hoạt động, ngành nghề, theo địa bàn để vừa phòng chống dịch tốt và làm kinh tế hiệu quả, có phương án cho học sinh đến trường.

"Vai trò của người dân rất quan trọng. Vì dịch ở trong dân, mà chỉ có người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch mới có hiệu quả. Trong đó, người dân cần tiếp tục thực hiện thật tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế vì chỉ có 5K mới có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm"- ông Phu nhấn mạnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn