MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ y tế tiêm vaccine phòng bệnh cho người dân. Ảnh: Hải Nguyễn

Vaccine dịch vụ không thiếu nhưng cơ sở y tế công không thể đấu thầu

Thùy Linh LDO | 18/03/2023 10:34

Trước đây, đơn vị tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội mỗi ngày đón tiếp 400-500 đối tượng đến tiêm chủng các loại vaccine dịch vụ, cao điểm có những ngày lên tới 1.000-1.200 người. Tuy nhiên, do thiếu vaccine nên toàn bộ các điểm tiêm dịch vụ của CDC Hà Nội đang phải tạm dừng hơn 1 năm nay. 

Trong khi đó, các đơn vị tiêm chủng dịch vụ tư nhân vẫn có đủ vaccine để cung ứng cho người dân. Vậy vì sao vaccine không thiếu mà khu vực tiêm vaccine dịch vụ của các đơn vị công lại không có vaccine để tiêm cho người dân?

Theo đại diện công ty cổ phần y tế Đức Minh- một đơn vị nhập khẩu nhập khẩu vaccine, vướng mắc hiện nay tại các cơ sở y tế công lập trong lĩnh vực y tế dự phòng chính là vấn đề đấu thầu với vaccine dịch vụ và hơn nữa, việc này đặc biệt quan trọng và nghiêm trọng là với vaccine phòng bệnh dại.

"Mặc dù chúng tôi hoàn toàn có đủ khả năng cung cấp vaccine cho các đơn vị theo nhu cầu nhưng các đơn vị không tổ chức đấu thầu được"- đại diện công ty này nói. 

Theo đại diện công ty, việc đấu thầu cho vaccine dịch vụ tự nguyện là điều không cần thiết và không phản ánh đúng vì khi đấu thầu lựa chọn sản phẩm thì người dân sẽ mất đi "quyền" được lựa chọn chủng loại vaccine phù hợp với điều kiện của họ (vì họ phải trả tiền).

Vaccine dịch vụ không hề thiếu mà hiện nay vấn đề chính là thiếu hành lang pháp lý để các cơ sở y tế mua được vaccine- hay nói đúng hơn là các cơ sở y tế thay mặt người dân mua vaccine về phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân.

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu vaccine, đại diện công ty này cũng cho rằng trong quá trình đăng kí, nhiều sản phẩm đòi hỏi thực hiện đánh giá tại Viện kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế, nhưng cơ quan kiểm định chưa có bộ mẫu chuẩn và phương pháp chuẩn, thiết bị đánh giá. 

Việc đăng ký lưu hành các sản phẩm vaccine nhập khẩu hiện nay có yêu cầu là sản phẩm phải được đăng ký, lưu hành tại các Quốc gia tham chiếu (thường là các nước đã phát triển) hoặc sản phẩm đã được Tổ chức Y tế Thế giới Tiền thẩm định (WHO PQ).

Điều này đã cản trở việc đăng ký mới các sản phẩm vaccine nhập khẩu cho thị trường Việt Nam vì mô hình bệnh tật tại các nước phát triển và đang phát triển (Việt Nam) khác nhau nên có nhiều vaccine cần cho Việt Nam nhưng lại không cần cho những nước phát triển nên không lưu hành tại các nước này.

Mặt khác, việc sản phẩm có được Tổ chức Y tế Thế giới tiền thẩm định hay không lại phụ thuộc vào sản phẩm đó có nhằm phục vụ cho các chương trình tiêm chủng Quốc gia hay không.

"Về việc kinh doanh các sản phẩm vaccine hiện nay chúng tôi mong muốn Luật Đấu thầu mới (đã có bản dự thảo để lấy ý kiến) sẽ sớm được chấp thuận và ban hành trong đó có quy định rõ việc mua sắm vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của nhân dân cùng với thuốc bán trong nhà thuốc tại khuôn viên bệnh viện hoặc cơ sở y tế công lập" - đại diện công ty này bày tỏ. 

"Chúng tôi rất kỳ vọng trong dự thảo Luật Đấu thầu thuốc mới có mục sẽ áp dụng vaccine dịch vụ và thuốc tại nhà thuốc bệnh viện sẽ được chủ động lựa chọn. Như vậy, việc cung ứng vaccine dịch vụ cho người dân sẽ được thuận lợi hơn" - vị này nhấn mạnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn