MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Vấn đề lớn đằng sau câu chuyện "dao mổ rạch 3 lần da mới đứt"

TS. Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu City of Hope) LDO | 23/08/2022 07:13

Nếu các bác sĩ đang phải sử dụng những dụng cụ y tế “kém chất lượng” để cứu chữa người bệnh thì thực sự là một câu chuyện đau lòng ở ngành Y nước ta.

Dao mổ "cùn" sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh

Tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức sáng 21.8, ông Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - chia sẻ nỗi bức xúc của các bác sĩ tại viện này: “Trưởng Khoa Ngoại bức xúc gặp tôi hỏi tại sao ông mua dao mổ giá rẻ? Trước đây, chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch 1 đường, hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt”.

Một số người có thể nghĩ đơn giản là “nếu rạch 1, 2 lần không đứt thì rạch 3 lần, 4 lần”, bác sĩ có thể chỉ cần tốn thêm một ít thời gian nhưng tiết kiệm được một số tiền đáng kể với gói thầu “rẻ nhất”! Thế nhưng, thực sự thì điều này không đơn giản như vậy.

Dao mổ là một dụng cụ y tế được thiết kế “đủ bén” để người bác sĩ phẫu thuật chỉ cần sử dụng lực vừa phải là có thể tạo những đường rạch trên da, trên mô thật “ngọt”. Những đường rạch “ngọt” như vậy sẽ giảm thiểu được tối đa các tổn thương ở các tế bào vùng bị cắt, điều này sẽ làm giảm phản ứng viêm (inflammation), sưng (swelling) sau mổ, giảm hiện tượng xơ hóa (fibrosis), thời gian hồi phục nhanh và sẹo để lại nhỏ.

Trái lại việc sử dụng dao mổ “cùn” sẽ buộc người bác sĩ phẫu thuật sử dụng lực nhiều hơn, một vết mổ phải rạch đi rạch lại nhiều lần sẽ làm tổn thương mô lan rộng, dẫn đến dễ hình thành vùng viêm, sưng sau khi mổ, thời gian vết thương lành lâu hơn và tăng xác suất bị biến chứng ở vùng mổ sau đó. 

Do vậy, việc có con dao mổ đúng “chất lượng để phẫu thuật” là điều cơ bản và rất cần thiết. Nó không những giúp giảm bớt stress cho người bác sĩ phẫu thuật mà còn giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng cho người bệnh nhân và nâng cao chất lượng phục vụ của ngành Y tế.

Đằng sau câu chuyện con dao mổ nhỏ bé

Ở trên đây chỉ là phân tích về con dao mổ nhỏ bé thôi, chứ nhiều thứ khác trong lĩnh vực Y tế cũng không thể được bỏ qua như kim chỉ, thuốc men, dụng cụ hỗ trợ… Tôi đồng ý với ông Nguyễn Tri Thức kiến nghị rằng, “giá mua sắm không nên là “giá thấp nhất”, cần quy định rõ là giá “hợp lý nhất” dựa trên nhu cầu điều trị thực tế”.

Do ngành Y với mục đích cuối cùng là đem lại kết quả tốt nhất khi chữa trị trên “người” nên những dụng cụ sử dụng trong ngành Y cho nhân dân cần phải đạt được những tiêu chuẩn “tối thiểu”! Ví dụ, con dao mổ cần điều kiện tối thiểu là “phải sắc bén”.

Người chấm thầu vật tư y tế cần phải đặt những thứ tự ưu tiên khi chọn thầu như sau: Thứ nhất là an toàn, thứ 2 là chất lượng, thứ 3 mới là giá cả; không thể để “giá cả” là thứ tự ưu tiên hàng đầu để chọn một sản phẩm sử dụng trên người. 

Từ khi "cơn bão Việt Á-CDC" nổi lên thì một loạt các hệ quả đã kéo theo sau đó, các nhà chức trách, các công ty nhập khẩu thiết bị, những nhà thầu và đơn vị chấm thầu đều khá lúng túng để “thích nghi” trong bão.

Hiện tượng thiếu thuốc, các trang thiết bị và hiện tượng giảm chất lượng vật tư y tế ở bệnh viện cũng có thể là một trong những hệ quả đó! Tuy những nhức nhối như thế này thật đáng buồn nhưng hy vọng khi được thẳng thắn phơi bày thì sẽ là động lực để các nhà chức trách thay đổi và có lẽ đây cũng là một thử thách mà tân Bộ trưởng Y tế cần giải quyết một cách “quyết liệt”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn