MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trẻ em nhập viện vì triệu chứng nôn, đau bụng, tiêu chảy... Ảnh đồ họa: Hương Giang

Vì sao gần đây nhiều trẻ em mắc các triệu chứng nôn, đau bụng?

Thùy Linh LDO | 13/05/2022 16:39

Hiện nay, có nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại trước các dịch bệnh mới xuất hiện. Thậm chí, nhiều người còn nghĩ đến bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn, khi có nhiều trẻ em gặp phải các triệu chứng nôn, tiêu chảy, đau bụng... 

Sau COVID-19, trẻ mắc các bệnh thông thường có thể gia tăng

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - cho biết: Thời tiết đang trong thời điểm giao mùa và đây là lúc nhiều trẻ em dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa, các bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết... cũng có nguy cơ bùng phát mạnh. Và hầu như năm nào cũng vậy. 

Hơn nữa, thời gian gần đây "đóng cửa" vì dịch COVID-19, trẻ em không được đi ra ngoài, không tiếp xúc nhiều, hạn chế nhiễm các bệnh như trên, vì thế miễn dịch đối với các bệnh đó kém đi.

"Nhưng hiện nay, chúng ta đã "mở cửa", trẻ em đi học và được hoạt động bình thường, nên trẻ dễ mắc phải các bệnh thông thường hơn. Triệu chứng nôn, sốt, tiêu chảy... có thể chính là triệu chứng của các bệnh truyền nhiễm thông thường"- PGS Phu nhận định. 

PGS Phu khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, cần theo dõi để đưa trẻ đi khám, điều trị kịp thời theo khuyến cáo của bác sĩ. 

Về lo ngại xuất hiện các loại dịch bệnh mới, PGS Trần Đắc Phu cho rằng, ngành Y tế cũng cần có theo dõi, điều tra dịch tễ để chủ động phòng chống dịch bệnh, xác định nguyên nhân gây nên dịch bệnh. 

Phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng

ThS. BS Trương Văn Quý - Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E - cho hay, các trường hợp trẻ nhập viện gần đây chủ yếu có biểu hiện nôn là chính, một số trẻ có xuất hiện đau bụng kèm theo sốt.

Đối với những trường hợp này khi nhập viện, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng cẩn thận và chủ yếu chỉ định điều trị triệu chứng là chính như: Truyền dịch, bù nước và điện giải, khoảng 1-2 ngày trẻ sẽ ổn và có thể xuất viện.

Các bác sĩ cũng chỉ định một số xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán xác định các bệnh lý liên quan do virus. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng không quá nặng, chỉ ở mức độ có nôn, một số trường hợp đau bụng kèm theo sốt hoặc tiêu chảy… Do vậy, khi được điều trị, trẻ thường đáp ứng nhanh và 1-2 ngày là có thể xuất viện.

Về chăm sóc và dinh dưỡng, trong khi trẻ có các biểu hiện như trên, các bậc cha mẹ nên theo dõi điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Quan trọng nhất là bù nước và điện giải. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định liều lượng và cân nặng; cho trẻ uống nhiều nước; uống Oresol pha theo hướng dẫn.

Bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên hoang mang, lo lắng vì hiện tại những trường hợp trẻ nhập viện chủ yếu liên quan đến đường tiêu hóa. Các biểu hiện khác của tổn thương gan cũng được các bác sĩ chú ý cho xét nghiệm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nào nhập viện tại Bệnh viện E có tổn thương viêm gan.

Về chế độ ăn uống nên duy trì cho trẻ chế độ ăn bình thường như hằng ngày để cung cấp đủ dinh dưỡng. Trong trường hợp trẻ nôn, tiêu chảy nhiều nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, dễ tiêu như cháo, súp… Thực hiện ăn uống đảm bảo vệ sinh, nên cho trẻ dùng riêng bát đũa là tốt nhất.

Với dịch virus gây ra viêm gan hay tổn thương đường tiêu hóa đã được Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo xuất hiện ở một số nước, đến nay, Bộ Y tế cũng chưa công bố trường hợp nào liên quan đến các bệnh lý về virus gây tổn thương gan như báo chí đã nêu.

Vì vậy, ThS. BS Trương Văn Quý khuyên các bậc cha mẹ nên bình tĩnh, nếu thấy trẻ có các biểu hiện sốt, nôn hay tiêu chảy nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa khám và hướng dẫn chăm sóc điều trị đúng cách. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn