MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS Trần Đắc Phu nhận định về tình hình dịch COVID-19 sau khi xuất hiện ca bệnh COVID-19 lây nhiễm từ nam tiếp viên hàng không. Ảnh: VGP/Đình Nam

Vì sao nam tiếp viên cách ly 4 ngày đã được về và lây cho người khác?

Thùy Linh LDO | 01/12/2020 17:58
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng nhận định về các ca mắc mới COVID-19.

Cách ly nhưng lại tiếp xúc với mẹ, bạn, cho người khác đến ở cùng

Liên quan đến BN1342, nam tiếp viên được trở về cách ly tại nhà sau 4 ngày cách ly tập trung, vậy điều này có đúng quy định hay không? Trả lời câu hỏi này, PGS Trần Đắc Phu khẳng định, trong trường hợp này, cả Vietnam Airlines và Bộ Y tế đều đã làm đúng.

Về lý do bệnh nhân này chỉ phải cách ly tập trung có 4 ngày, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có công văn 3588, trong đó có hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng các biện pháp cách ly đối với tổ bay của Vietnam Airlines.

Theo đó, trong thời gian cách ly tập trung, họ có 2 lần xét nghiệm COVID-19 âm tính (với điều kiện toàn bộ tổ bay và hành khác cũng âm tính 2 lần) sẽ được rời khỏi khu cách ly và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Xét nghiệm lần 2 sau ít nhất 72 giờ kể từ lần lấy mẫu đầu tiên.

Nam phi công cách ly tập trung từ ngày 15.11, sau đó có kết quả 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 nên ngày 18.11 được ra về cách ly tại nhà. Riêng với trường hợp này, Vietnam Airlines đã xử lý đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Về việc bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm dương tính vào lần xét nghiệm thứ 3 (kết quả ngày 28.11), PGS Phu cho rằng, đây là điều bình thường, vì khi được khuyến cáo theo dõi 14 ngày, không phải sẽ dương tính ngay ngày 1, ngày 2. Âm rồi cuối cùng lại dương tính ở những ngày cuối là điều đã được khuyến cáo. Việt Nam cũng đã khuyến cáo phải cách ly 14 ngày là vì thế.

"Để xảy ra sự lây nhiễm này là lỗi của người tiếp viên khi không tuân thủ các nguyên tắc cách ly tại nhà của Bộ Y tế. Ngay từ khi dịch COVID-19 xâm nhập, chúng tôi đã xây dựng và hoàn thiện hướng dẫn về cách ly, trong đó, cụ thể người cách ly tại nhà/nơi lưu trú cần phải làm gì.

Chẳng hạn, nguyên tắc là phải cách ly ở phòng riêng, ngủ riêng, ăn uống riêng, đeo khẩu trang, chất thải y tế riêng... Trường hợp này cách ly tại nhà nhưng lại tiếp xúc với mẹ, bạn, cho người khác đến ở cùng là không đúng. Như vậy đâu phải là cách ly?"- PGS Phu đặt vấn đề.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Hải Nguyễn

Cố tình "vượt đèn đỏ"

Nhận định về tình hình dịch bệnh trong bối cảnh hiện nay tại TP HCM, PGS Phu cho rằng: Khi dịch xuất hiện ở Đà Nẵng, chúng ta không xác định được ai là F0, lúc đó dịch đã lan rộng và tấn công vào bệnh viện. Còn ở TPHCM, may mắn là chúng ta xác định được trường hợp 1342 dương tính trước 14 ngày, phát hiện ngay lúc tiếp xúc với người khác, từ đó mới tìm ra ca cộng đồng 1347. Điều đó có nghĩa chúng ta biết được đâu là F0.

"Chính vì thế, ngay bây giờ, chúng ta có 3 điều cần phải làm. Đầu tiên là tìm hết F1, F2 của trường hợp này để cách ly, xét nghiệm theo quy định. Thứ hai là tổ chức cách ly cộng đồng, chỗ nào cần thiết phải phong tỏa. Thứ ba, rất quan trọng là chấn chỉnh lại việc tự cách ly tại nhà của người dân hiện nay.

Quy định, hướng dẫn đã có mà người dân không thực hiện thì chẳng khác việc cố tình "vượt đèn đỏ". Khi đó, có lúc công an bắt được, có lúc không. May mắn, ca này đã kịp "bắt" được"- PGS Phu phân tích.

PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân không nên lo lắng quá. Bộ Y tế đang chỉ đạo rất quyết liệt. Hiện việc truy vết, tìm người tiếp xúc để cách ly rất quan trọng.

Hiện tình hình trên thế giới rất phức tạp, các nước bên cạnh như Campuchia vẫn có lây lan trong cộng đồng. Người dân không được chủ quan. Trường hợp nam tiếp viên là một ví dụ của việc chủ quan, dẫn tới hệ quả là có ca lây trong nước.

Nguồn: Bộ Y tế

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn