MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Liên tiếp ghi nhận các ca ngộ độc liên quan tới vi khuẩn Botulinum thời gian qua. Ảnh: BVCC

Vì sao vẫn xuất hiện ngộ độc Botulinum, dù rất hiếm gặp?

Thùy Linh LDO | 27/03/2021 14:45
Các vụ ngộ độc botulinum rất hiếm gặp nhưng không phải mới, mỗi năm thế giới ghi nhận khoảng 1.000 ca. Trước đó, Việt Nam cũng đã có nhiều người ngộ độc botulinum có trong pate Minh Chay.

Botulinum - chất độc khét tiếng trên thế giới

Vụ ngộ độc botulinum đầu tiên được ghi nhận vào năm 1822. Cách đây khoảng 100 năm, cũng từng xảy ra vụ việc 23 người Châu Âu bị ngộ độc botulinum sau khi ăn thịt nguội, trong đó có 3 người đã tử vong.

Trước đó, năm 2020, liên quan đến vụ ngộ độc botulinum trong sản phẩm pate Minh Chay, đã có 20 người phải nhập viện tại các cơ sở y tế của Hà Nội và TPHCM, một số ca nặng đang phải thở máy.

Botolinum là trực khuẩn gram (+), sống kỵ khí tuyệt đối, sinh nha bào, nhiệt độ phát triển thuận lợi nhất là 260 C đến 280 C.

Clostridium Botulinum ở điều kiện thích hợp sẽ tạo thành độc tố và sinh 5 typ độc tố A, B, C, D, E. Hay gây ngộ độc là typ A và B, ít hơn là typ E. Typ A thường thấy ở Châu Mỹ, typ B thường thấy ở Châu Âu và typ E thường thấy ở Nhật bản.

Độc tố của Clostridium Botulinum có độc lực mạnh hơn độc tố của tất cả các vi khuẩn khác. Nó chịu được men tiêu hoá và môi trường axit nhẹ của dạ dày, mất tác dụng bởi kiềm và nhiệt độ cao 120 0C/ 5' hoặc 80 0C/10’ hoặc đun sôi trong vài phút.

Thời gian ủ bệnh của vi khuẩn từ từ 8 - 10 giờ, có trường hợp 4 giờ với các biểu hiện như nôn, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, yếu ớt, da khô, đau bụng, bụng chướng, táo bón; giãn đồng tử, mất phản xạ ánh sáng, liệt cơ tim…

Bệnh kéo dài từ 4-8 ngày. Trường hợp nặng thì trung khu thần kinh tuần hoàn và hô hấp bị liệt (khó thở, thở nhanh, nông) cuối cùng thì chết do ngạt.

Bệnh hồi phục tương đối chậm, thường để lại di chứng tương đối dài. Nếu không được điều trị sẽ chết sau 3 - 4 ngày. Ngày nay với các phương pháp điều trị tích cực, nhanh chóng, tỉ lệ tử vong còn khoảng 10%.

Khi sử dụng đồ hộp người tiêu dùng cần quan sát bên ngoài xem đồ hộp có bị phồng, méo hay không?

Trao đổi về tình trạng ngộ độc Botulinum thời gian qua, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, loại thực phẩm thường gây ngộ độc do độc tố Botulinum là thực phẩm đóng hộp, phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm có thể dẫn tới tử vong, theo bà Nga, khi sử dụng đồ hộp người tiêu dùng cần quan sát bên ngoài xem đồ hộp có bị phồng, méo hay không? Vì nếu hộp phồng, méo thì sản phẩm đã bị lỗi và có khả năng đã bị nhiễm vi khuẩn.

Trong trường hợp đồ hộp bị phồng, khả năng trong sản phẩm vi khuẩn kỵ khí đã phát triển, sinh độc tố.

Vi khuẩn Botulinum sẽ bị diệt ở 60 độ C trong 30 phút và bởi các hóa chất khử trùng thông dụng; để khử độc tố cần đun sôi 100 độ C ít nhất 15 phút; để diệt nha bào cần đun ở 100 độ C ít nhất 1 giờ, hoặc hơi nước nóng ở áp lực cao hay sấy khô trên 160 độ C ít nhất 30 phút.

Do vậy, bà Nga khuyến cáo người dân không nên mua loại đồ hộp bị phồng, méo. Nếu trong quá trình bảo quản ở nhà, đồ hộp bị phồng thì cũng không nên sử dụng.

Ngoài ra, để lựa chọn thực phẩm an toàn, người tiêu dùng nên chọn mua đồ hộp phải đủ nhãn, ghi đầy đủ thông tin về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa thực phẩm; xuất xứ hàng hóa, định lượng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; thành phần hoặc thành phần định lượng; thông tin cảnh báo vệ sinh, an toàn; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng, như đã ghi trên nhãn sản phẩm, theo đúng vòng đời của sản phẩm.

“Muốn đóng gói đồ hộp hay hút chân không thực phẩm người dân cần áp dụng các quy trình chuẩn về khử trùng đồ hộp ở nhiệt độ cao, không đóng gói, hút chân không thực phẩm khi công nghệ không đảm bảo”, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn