MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các y bác sĩ chăm sóc các bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản, biến chứng nặng nề. Ảnh: THÙY LINH

Viêm não Nhật Bản vào mùa, bố mẹ “quên” tiêm vaccine cho con

THÙY LINH LDO | 03/07/2019 11:58
Trong vòng 1 tháng qua, khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 20 ca viêm não Nhật Bản nhập viện điều trị. Trong số đó, hầu hết là các bệnh nhi không được tiêm phòng hoặc không tiêm phòng nhắc lại sau 3 - 5 năm. Thực trạng này khiến cho các bác sĩ đang hết sức lo ngại với tình trạng nhiều cha mẹ từ chối vaccine cho con.

Biến chứng nặng nề

Bệnh nhi Nguyễn Lê N (SN 2007, ở Kim Bảng, Hà Nam) được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt li bì, ngủ nhiều, ý thức lơ mơ. Bà Hà Thị Hậu, người thân của cháu cho biết : “Tự nhiên cháu sốt cao, ngủ li bì, sau đó nôn nhiều, lúc gia đình đưa cháu đến bệnh viện thì cháu đã không tỉnh nữa. Hồi nhỏ, con tôi có được tiêm vaccine viêm não Nhật Bản nhưng sau này không tiêm lại nữa. vì chúng tôi không biết chuyện đó. Bác sĩ nói là cháu bị biến chứng bệnh, rất khó để hồi phục”.

Tương tự, trường hợp của cháu Nguyễn Đình H (SN 2006, ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) đang nằm tại khoa Truyền nhiễm - BV Nhi TƯ cũng hết sức thương tâm. Theo anh Nguyễn Đình S - bố của cháu H - lúc đầu cháu chỉ có dấu hiệu sốt, đau đầu nên gia đình nghĩ là sốt virus và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Tuy nhiên, sau 2 ngày, các biểu hiện sốt, đau đầu cứ tăng dần, cháu mệt mỏi, buồn nôn và nôn khan, gia đình đưa cháu đi viện. Các bác sĩ cho biết, cháu H cũng bị mắc viêm não Nhật Bản, biến chứng rất nặng, mất khả năng vận động, có nguy cơ mất ý thức hoàn toàn.

Theo các bác sĩ, trong các biểu hiện trên thì sốt và nôn khan thường các bậc phụ huynh hay bị nhầm lẫn nhất. Nếu bị sốt virus trẻ sau khi uống thuốc hạ được sốt thì theo bản năng trẻ sẽ hoạt động và chơi bình thường. Nhưng nếu bị sốt do mắc viêm não Nhật Bản khi hạ sốt trẻ vẫn li bì, đau đầu và ngủ nhiều, đây chính là biểu hiện của rối loạn hệ thần kinh trung ương.

“Thực tế khi trẻ bị nôn khan kèm theo sốt, đau đầu tăng dần thì đó chính là triệu chứng của viêm não Nhật Bản. Việc các bà mẹ không nhận ra điều đó, đến khi trẻ có các biểu hiện điển hình như đau đầu dữ dội, sốt cao, co giật mới đưa đến viện thì lúc đó đã quá muộn” - TS. BS Đỗ Thiện Hải - Phó khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết.

Hầu hết các bệnh nhi đều không tiêm vaccine đầy đủ

Ghi nhận tại BV Nhi TƯ, trong vòng khoảng 1 tháng qua khoa Truyền nhiễm đã nhận khoảng 20 ca viêm não Nhật Bản nhập viện điều trị. Trong số đó, hầu hết là các bệnh nhi không được tiêm phòng hoặc không tiêm phòng nhắc lại sau 3 - 5 năm. Các nghiên cứu cho thấy trong vòng 5 năm tỉ lệ bảo vệ của vaccine xuống rất thấp, khoảng 60 - 70%, do vậy, tỉ lệ mắc viêm não từ 7 - 8 tuổi trở lên sẽ nhiều hơn.

Theo BS Hải, phần lớn các ca nhập viện đều trong tình trạng nặng, thậm chí có những trẻ bị biến chứng vận động, biến chứng thần kinh mất ý thức hoàn toàn. Nguyên nhân được BS Hải đưa ra là do phụ huynh thường quên lịch tiêm nhắc lại vaccine viêm não Nhật Bản cho con, đồng thời đưa đến viện khi đã trong giai đoạn tiến triển nặng.

“Thời gian vàng để điều trị cũng như hạn chế di chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản là 2 ngày kể từ khi nhiễm virus. Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh đều đưa trẻ đến viện muộn, khi đã có những triệu chứng điển hình”, BS Hải cho hay. BS Hải khuyến cáo khi thấy trẻ có các triệu chứng sốt, ngủ nhiều, đau đầu thì hãy nghĩ ngay đến viêm não Nhật Bản và đưa trẻ đến khám.

Bộ Y tế khuyến cáo tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản. Hiện loại vắc xin này đã có trong chương trình tiêm chủng quốc gia do đó các bậc phụ huynh nên lưu ý thực hiện các mũi tiêm này từ khi trẻ còn nhỏ theo thời gian sau:

Mũi 1: khi trẻ 1 tuổi. Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần. Mũi 3: 1 năm sau khi tiêm mũi 2

Lưu ý: 3 mũi tiêm chủng này chỉ có khả năng bảo vệ trẻ trong khoảng 5 - 7 năm, sau đó nồng độ kháng thể trong máu giảm dần, nguy cơ mắc bệnh lại tăng lên. Do đó các bậc phụ huynh sau khi tiêm mũi 3, cần tiêm nhắc lại cho trẻ sau 3 - 4 năm, đến khi trẻ được 15 tuổi.

Ngoài ra, để phòng bệnh các gia đình cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn