MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh cuộc họp nhanh với các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực dịch tễ, vaccine... để bàn giải pháp ứng phó với dịch viêm phổi do virus nCoV. chiều 30.1. Ảnh: Thuỳ Linh

Việt Nam nghiên cứu vaccine phòng virus Corona: Nhanh cũng mất 3 tháng

THÙY LINH LDO | 31/01/2020 08:57

Chiều 30.1, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã có cuộc họp nhanh với các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực dịch tễ, vaccine... để bàn giải pháp ứng phó với dịch viêm phổi do virus nCoV.

Tại cuộc họp, các nhà nghiên cứu và sản xuất vắc xin của Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi làm song song, không chờ đợi thế giới nhưng việc đánh giá tính kháng nguyên của chủng mới thì thế giới cũng phải mất ít nhất 3 tháng. Nhưng hiện chúng tôi đã song song làm việc này cùng với họ, chứ không phải đợi họ có kết quả mình mới bắt tay vào việc”.

Nhiệm vụ cấp bách nhất là sản xuất bộ test kit nCoV

Mặc dù Việt Nam đã điều trị thành công cho một ca bệnh nhiễm nCoV nhưng để hiểu cặn kẽ về dịch tễ học bệnh này, nguồn lây đường lây, virus học... đều chưa có bằng chứng thuyết phục bằng căn cứ khoa học. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc cho rằng nhiệm vụ của khoa học phải làm rõ.

TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho rằng, về nghiên cứu khoa học phải tự sản xuất sinh phẩm để chủ động việc kiểm tra. Test kit phải tự làm không thể chờ quốc tế hỗ trợ. Khi có bộ kit, Việt Nam có thể chủ động sàng lọc những người nghi ngờ để cách ly.

GS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, bằng công nghệ của Việt Nam, dựa vào quy trình của thế giới công bố (mã gene) nên hai ngày đã có kết quả kiểm tra bệnh nhân dương tính với nhiễm virus nCoV. Sau khi có test kit của Đức về test lại cho kết quả giống nhau. WHO cũng công nhận xét nghiệm của Việt Nam là chính xác.

PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho đơn vị có năng lực và trình độ nghiên cứu sản xuất nhanh bộ kit test, đồng thời nghiên cứu dịch tễ học về bệnh này để có tư liệu cần thiết.

Khả năng sản xuất vắc xin phòng nCoV đến đâu?

Về sản xuất vaccine phòng virus nCoV, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Cty TNHH MTV Vắc Xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) - Bộ Y tế cho rằng, cần một quá trình ít nhất sau 3 tháng. Hiện Cty đã liên hệ với Anh, giúp Việt Nam làm hệ gene phát triển vaccine phòng virus nCoV. 

Về quy trình sản xuất vaccine, chuyên gia này cho biết: Bao giờ cũng phải làm đánh giá trong phòng thí nghiệm, đánh giá tính kháng nguyên nào có hiệu quả tốt nhất, đáp ứng chống dịch tốt. Đối với nCoV cũng tương tự như vậy.

Đối với các nhà sản xuất hiện nay, phải đánh giá 2 điều kiện, 1 là có đủ năng lực tiếp cận với sản xuất vaccine hay không. Thứ 2 là phải quy mô sản xuất ở mức độ ra sao, phải có quy mô sản xuất lớn để đáp ứng cho một cộng đồng lớn. Vì chúng ta không thể nào sản xuất vaccine trên một quy mô nhỏ được. “Chúng tôi làm song song, không chờ đợi thế giới nhưng việc đánh giá tính kháng nguyên của chủng mới thì thế giới cũng phải mất ít nhất 3 tháng. Nhưng hiện chúng tôi đã song song làm việc này cùng với họ, chứ không phải đợi họ có kết quả mình mới bắt tay vào việc” - ông Đạt khẳng định. 

Thế giới chưa có một vaccine Corona nào được thương mại hóa

Hiện chưa có một nghiên cứu nào đánh giá việc ứng dụng vaccine Corona. Đối với SARS-CoV, các nhà sản xuất cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ đánh giá trên động vật, đối với MERS- CoV thì đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 trên người nhưng chưa có một loại vaccine Corona virus nào được thương mại hóa cả.

“Cả thế giới đều tuyên bố là phải chậm, chứ không thể nhanh được. Cái khó nhất của loại vaccine chủng Corona mới này là chưa có một đối chiếu nào về thương mại. Đối với vaccine cúm thì có thể có đối chiếu, nhưng chưa có vaccine Corona nào trên thế giới được thương mại hóa. Tất cả đều phải dựa trên những nghiên cứu cũ để đẩy nhanh nghiên cứu. Hy vọng sau 3 tháng sẽ có đủ số liệu để đánh giá và thử nghiệm trên người. Mong rằng không cần đến vaccine, nhưng để đáp ứng tình trạng khẩn cấp thì vẫn cần phải nghiên cứu” - ông Đạt khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn