MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long chỉ còn đủ thuốc điều trị cho 2-3 bệnh nhân tay chân miệng nặng. Ảnh: Hoàng Lộc

Vĩnh Long chỉ còn đủ thuốc điều trị cho 2-3 bệnh nhân tay chân miệng nặng

HOÀNG LỘC LDO | 11/07/2023 16:03

Gần 1 tuần qua, tình hình bệnh tay chân miệng tại tỉnh Vĩnh Long xuất hiện từ 15 - 20 ca/tuần, tăng gần 10 lần so với thời gian trước đó, trong khi lượng thuốc chỉ còn đủ để điều trị cho 2 - 3 bệnh nhân.

Khi phát hiện bé Nguyễn Minh Luận (2021) bị sốt và dấu hiệu nghi ngờ bị tay chân miệng, vợ chồng chị Trương Thị Ngọc Thi (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã tức tốc đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long kiểm tra.

“Lúc đầu ở nhà cháu bị sốt vợ chồng tôi nghĩ là sốt thường hay nặng là sốt xuất huyết vì đang bước vào mùa mưa và cũng thời gian này năm trước cháu từng bị sốt sốt huyết. Khi đưa vào nhập viện, cháu tiếp tục sốt cao trên 39 độ, mệt, ngủ nhiều, giật mình trong lúc ngủ, run chi nhẹ, lòng bàn tay, chân và mông có chấm mụn nước”, chị Thi cho biết thêm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long điều trị 89 ca nhiễm tay chân miệng. Ảnh: Hoàng Lộc

Cũng với triệu chứng nóng, sốt vào chiều thứ 7, chị Nguyễn Thị Mỹ Chi (huyện Mang Thít) chỉ nghĩ con mình sốt nhẹ nên đưa đến một điểm khám, chữa bệnh tư nhân thăm khám. Tuy nhiên, sau 3 ngày điều trị, tình hình bệnh của cháu bé trở nên nặng hơn. Hiện tại, trên người cháu xuất hiện nhiều bóng nước, chấm đỏ ở tay, chân, nhất là ở vùng miệng nên việc ăn uống của bé trở nên rất khó.

“Tôi rất lo lắng cho những điểm bóng nước ở tay, chân, khuôn mặt của bé, nếu chăm sóc không tốt sẽ để lại sẹo. Nếu như ngay từ đầu đưa con đi điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long như hiện nay thì có thể không trở nặng như thế này. Qua sự việc, bản thân rút kinh nghiệm sau này dù bận đến đâu cũng đến cơ sở y tế công để được điều trị sớm cho an toàn”, chị Mỹ Chi nói.

Ngày 11.7, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, BS.CKII Trần Chí Công - Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long thông tin, từ đầu năm 2023 đến nay bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 89 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 20% ca mắc mức độ nặng. Riêng trong tuần vừa rồi (từ ngày 2 - 9.7) có 20 trẻ nhập viện điều trị, đa số từ độ 2a, 2b và độ 3.

Theo bác sĩ Công, bệnh tay chân miệng diễn biến rất nhanh nên khi phát hiện con có các dấu hiệu nghi ngờ, phụ huynh cần quan tâm theo dõi và sớm đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, tránh để xảy ra những biến chứng hoặc có thể dẫn đến tử vong.

“Đối với bệnh nhân tay chân miệng mức độ nhẹ (độ 1) thì có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường để điều trị tại nhà. Đối với bệnh nhân tay chân miệng độ 2a trở lên, có dấu hiệu giật mình, sốt trên 39 độ, nôn nhiều, lừ đừ, quấy khóc vô cớ, đi loạng choạng, yếu liệt chi, phù phổi cấp, tím tái… thì bắt buộc nhập viện để điều trị”, bác sĩ Công chia sẻ.

Ông Công cũng thông tin thêm, hiện nay, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ còn khoảng 14 lọ thuốc Gamma globulin (IVIG). Số lượng thuốc này chỉ đủ để điều trị cho từ 2 đến 3 bệnh nhân tay chân miệng mức độ 3 trở lên. Riêng thuốc Milrinol để điều trị cho bệnh nhân mức độ nhẹ vẫn còn đảm bảo.

“Nếu cùng lúc xảy ra nhiều ca bệnh nặng, đội ngũ y bác sĩ sẽ hội chẩn với tuyến trên để chuyển tuyến tiếp tục điều trị vì hiện nay thuốc này rất hiếm, mua không có hàng”, bác sĩ Chí Công cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn