MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: T.L

Xã hội hóa, tự chủ y tế bị “biến tướng”: Thiếu giám sát, tạo kẽ hở để “ăn” trên lưng người bệnh

Thùy Linh LDO | 29/09/2020 12:36

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cùng cựu Phó Giám đốc, cựu Kế toán trưởng của bệnh viện này bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan vụ án nâng khống giá thiết bị y tế khiến dư luận sửng sốt. Theo các chuyên gia, vụ việc này là hậu quả của sự lạm dụng cơ chế tự chủ, cho tự chủ nhưng thiếu giám sát, tạo kẽ hở trong việc mua sắm thiết bị y tế, nâng khống giá dịch vụ khám chữa bệnh, “ăn” trên lưng người bệnh.

Lãnh đạo bệnh viện không thể nói không biết

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) - cho biết: Hiện nay theo chủ trương của Chính phủ, của Bộ Y tế, việc phân cấp trong công tác quản lý và mua sắm trang thiết bị y tế rất rõ ràng. Bộ Y tế chủ trương phân cấp mạnh trong vấn đề này, từ khâu lên kế hoạch đến phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kể cả định mức và tiêu chuẩn sử dụng cũng sẽ phân cấp. Bộ Y tế chỉ quản lý những gì thật cần thiết và liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Bộ Y tế.

“Trang thiết bị y tế, đơn vị sử dụng, người sử dụng phải là người nắm bắt rõ chắc nhất nhu cầu và khả năng khai thác sử dụng cũng như điều kiện khai thác sử dụng của họ” - ông Tuấn cho hay.

Thứ 2, theo ông, việc đấu thầu theo đúng quy định, chủ đầu tư là các đơn vị phải thực hiện hết chức năng nhiệm vụ của mình, như quyết định mua cái gì, xây dựng xác định giá tham chiếu ra sao... Bộ Y tế đều đã hướng dẫn. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị công trình y tế cũng thừa nhận, thực tế vẫn xảy ra hiện tượng ủy quyền lòng vòng hay thổi giá trang thiết bị y tế, khiến cho người bệnh phải gánh chi phí y tế lớn.

“Mỗi nấc ủy quyền lòng vòng sẽ đội lên một giá, thứ 2 là trách nhiệm đối với bảo hành bảo trì chất lượng sản phẩm, nghĩa vụ đối với đơn vị sử dụng, người sử dụng cũng không có” - ông nói.

Theo ông Tuấn, Bộ Y tế đã có lộ trình công khai minh bạch giá trang thiết bị y tế từ trước, hiện đã công bố bước 1 là công khai cổng thông tin để cho các doanh nghiệp, các công ty, các hãng có mặt tại Việt Nam phải công khai giá trang thiết bị y tế.

Trước vấn đề vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị y tế, ông Tuấn cho rằng, Thông tư 14 đã nâng cao rõ vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị trong việc mua sắm trang thiết bị y tế. “Lãnh đạo bệnh viện không thể nói không biết. Anh không biết thì phải có bộ phận tham mưu. Thông tư 14 đã nêu rõ trách nhiệm của phòng Vật tư, phải có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo. Trên cơ sở đó sẽ nâng cao vai trò trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định: “Chắc chắn sẽ tốt hơn, giá trang thiết bị y tế sẽ giảm. Công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế sẽ là cơ sở để các cơ sở tham chiếu trước khi mua, xem giá gốc là bao nhiêu. Họ sẽ căn cứ vào đó để đấu thầu công khai minh bạch, rẻ thì đương nhiên nhưng quan trọng sẽ phù hợp với cấu hình trang thiết bị đó”.

Bộc lộ “điểm yếu” của cơ chế tự chủ

Thạc sĩ Lê Thị Hồng Hạnh - Phó Kiểm toán trưởng Kiểm Toán Nhà nước chuyên ngành III - đánh giá: Qua kết quả kiểm toán nhận thấy, cơ chế tự chủ tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là các bệnh viện, là một chủ trương đúng đắn, góp phần làm thay đổi diện mạo và nâng cao chất lượng của nền y tế công lập. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế triển khai thực hiện tự chủ tại các bệnh viện đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả, hiệu lực của cơ chế này.

“Việc quản lý tài sản, trang thiết bị tại một số bệnh viện chưa thực sự tốt, trong đó nổi lên là tình trạng xác định tỉ lệ phân chia lợi nhuận giữa bệnh viện và đối tác liên kết không đầy đủ cơ sở, chưa tính đủ chi phí thực tế phát sinh; giá dịch vụ y tế theo máy liên kết thu cao, thời gian thu hồi vốn nhanh đem lại lợi ích cho nhà đầu tư nhưng làm ảnh hưởng đến lợi ích của người bệnh.

Một số bệnh viện có nguồn lực nhưng chưa chủ động đầu tư trang thiết bị, “lạm dụng” liên doanh, liên kết làm tăng chi phí KCB; việc thanh toán của cơ quan BHXH cho các bệnh viện còn chậm, dẫn đến bị động trong cân đối thu chi, nhưng tại hầu hết các bệnh viện vẫn để xảy ra tình trạng áp dụng sai dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư, thanh toán chi phí dịch vụ không đúng quy định nên BHXH từ chối thanh toán…”- Thạc sĩ Lê Thị Hồng Hạnh phân tích.

* Những năm qua, thị trường thiết bị và vật tư y tế tăng trưởng mạnh. Tổng vốn đầu tư trang thiết bị y tế năm 2010 là 515 triệu USD, đến năm 2019 tăng lên 1,68 tỉ USD, gấp ba lần so với gần 10 năm trước.

* Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đánh giá: Để xảy ra các vụ việc nâng khống giá trang thiết bị y tế, “ăn dày trên lưng bệnh nhân” là hậu quả của việc các cá nhân đã lạm dụng cơ chế tự chủ, xã hội hóa. Nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ nhiều phía, kể cả người thực hiện và trong công tác quản lý nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát, kể cả giám sát của người dân, người bệnh và cán bộ, nhân viên trong ngành, tổ chức đảng, công đoàn... cũng đều lỏng lẻo, thậm chí là không giám sát. Tuy nhiên, cần xem xét đánh giá toàn diện mọi khía cạnh chứ không được chủ quan, phiến diện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn