MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xã hội hoá y tế ở "nút tạm dừng", mua sắm trang thiết bị gần như đóng băng

Nhóm PV LDO | 13/06/2022 10:40

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ, tiến trình xã hội hoá trong lĩnh vực y tế hiện nay đang đặt ở "nút tạm dừng", các hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn ngành gần như đóng băng, không dám triển khai. 

Xã hội hoá ngành y tế còn nhiều bất cập

Tại buổi thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sáng nay (13.6), bà Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, những sai phạm xã hội hoá, liên doanh liên kết trong ngành y tế trong thời gian qua đòi hỏi cần bổ sung các quy định tại điều 90 dự thảo luật này.

Theo bà, xã hội hoá, liên doanh liên kết giữa các cơ sở khám chữa bệnh công lập với các tổ chức cá nhân ngoài xã hội là chủ trương đúng đắn để bù đắp thiếu hụt về ngân sách dành cho lĩnh vực y tế.

Chính sách này đã đi vào cuộc sống sau thời gian triển khai, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp người dân được tiếp cận y tế kỹ thuật cao từ trong nước, mà không phải ra nước ngoài.

"Việc triển khai chính sách không chỉ giúp tuyến trung ương tiếp cận các công nghệ kỹ thuật cao về khám chữa bệnh mà các tuyến dưới cũng làm chủ các công nghệ kỹ thuật hiện đại, để người dân được thụ hưởng ngay tại địa phương, không phải chuyển tuyến, vượt tuyến", bà Thuỷ nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ. Ảnh: QH

Dù vậy, vị đại biểu Quốc hội cho rằng, việc triển khai xã hội hoá, liên doanh liên kết trong ngành y tế cũng nảy sinh nhiều bất cập.

Đó là tình trạng lạm dụng chỉ định dịch vụ xét nghiệm kỹ thuật cao quá mức cần thiết với các máy móc xã hội hoá, gây tốn kém cho túi tiền người dân và bảo hiểm y tế. Đáng lưu ý, do thiếu một quy hoạch rõ ràng nên hiện nay đang có sự mất cân đối trong việc huy động nguồn lực.

Xã hội hoá, liên doanh liên kết mới tập trung ở những thành phố lớn và những nơi có điều kiện thuận lợi, trong khi những bệnh viện tuyến dưới, những vùng có điều kiện khó khăn, rất cần phải xã hội hoá thì lại không thể xã hội hoá được, gây thiệt thòi cho những bệnh nhân ở khu vực này.

"Theo dõi những vụ án về y tế trong thời gian qua, tôi thấy rằng, việc thổi giá không chỉ phát hiện trong các vụ án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, mà còn phát hiện trong việc triển khai các đề án xã hội hoá, liên doanh lên kết, hợp tác đặt máy móc khám chữa bệnh.

Ví dụ điển hình là vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai đã ký hợp đồng cho phép đối tác đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá máy trong hợp đồng liên kết gấp 5 lần giá trị thực, từ 7,4 tỉ lên 39 tỉ đồng đã làm lợi cho một nhóm người nhưng gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân đã sử dụng máy này", bà Thuỷ cho hay.

Bổ sung cơ chế kiểm soát để ngăn chặn sự biến tướng, chống lợi ích nhóm

Nguyên nhân của những tồn tại trên, theo bà Nguyễn Thị Thuỷ là do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Hệ quả dẫn đến khó khăn cho các bệnh viện trong việc triển khai xã hội hoá, liên doanh liên kết, dễ bị lợi dụng để cấu kết nhóm lợi ích, gây thiệt hại cho bệnh nhân và thất thu ngân sách Nhà nước.

"Dự thảo luật có duy nhất Điều 90 quy định về liên doanh liên kết. Điều này mang tính chủ trương, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Hiện nay, tiến trình xã hội hoá trong lĩnh vực y tế đang đặt ở nút tạm dừng, các hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn ngành gần như đóng băng, không dám triển khai.

Các bệnh viện, nhà quản lý đang trông chờ những sửa đổi, bổ sung cụ thể trong các văn bản pháp luật, trong đó có Luật Khám chữa bệnh" - bà Thuỷ nói và kiến nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh những nguyên tắc đặc thù của xã hội hoá trong lĩnh vực y tế. Bổ sung cơ chế kiểm soát để ngăn chặn sự biến tướng, chống lợi ích nhóm; bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng, cần quy định rõ để thực hiện xã hội hóa trong khám, chữa bệnh.

Theo bà, các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật chưa thể chế được đầy đủ chủ trương xã hội hóa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Đại biểu chỉ rõ Điều 90 dự thảo Luật quy định về xã hội hóa còn chung chung, chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa cơ sở ngoài công lập và công lập, chưa cụ thể chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài công lập, chưa có phân tách vùng thuận lợi, vùng khó khăn để khuyến khích đầu tư vào vùng khó khăn.

Bà đề nghị ra soát lại quy định này nhằm bảo đảm đồng bộ, minh bạch và lưu ý đến chính sách tự chủ trong lĩnh vực y tế nhưng các cơ sở y tế chưa được tự quyết định giá dịch vụ, định mức kinh tế kỹ thuật ban hành từ năm 2012 không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định về chức danh cấp giấy phép hành nghề. Quy định rõ vai trò phạm vi hành nghề của các chức danh mới cần cấp giấy phép hành nghề trong luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn