MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chờ tiểu cầu đã 3 tuần nhưng vẫn chưa có để tiến hành mổ tim. Ảnh: Phong Linh

Xót lòng những bệnh nhân mòn mỏi chờ máu ở Đồng bằng sông Cửu Long

PHONG LINH LDO | 26/07/2023 08:46

Người bị rắn cắn, giảm tiểu cầu nhưng không thể chuyển lên bệnh viện tuyến trên; Người chờ đợi mổ tim đã 3 tuần nhưng vẫn chưa biết khi nào được cứu. Họ là 2 trong số rất nhiều trường hợp bệnh nhân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chờ máu để thoát khỏi “cửa tử”.

Phó mặc số phận

Gặp chúng tôi tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, ông Đ.V.H (SN 1970, ấp An Trại, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) kể, 3 ngày trước, khoảng 17 giờ 30, thấy trước nhà có nhiều tàu dừa rơi vướng vào dây điện, sợ gió bão làm hư hỏng điện của bà con nên ông ra dọn dẹp. Lúc giật đến tàu dừa thứ 3, ông cảm giác đau và biết mình bị rắn cắn. Đêm đó, chân ông nhức và sưng to. Sáng đến, bà con ở xóm đoán ông bị rắn lục đuôi đỏ cắn nên đưa đến bệnh viện để điều trị.

Ông Đ.V.H bị rắn cắn và đang chờ truyền tiểu cầu. Ảnh: Phong Linh

“Do chi phí điều trị cao, tôi nhờ bác sĩ chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Tại đây, bác sĩ cho biết không có máu để truyền. Tôi phải chờ, hoặc bác sĩ có đề xuất tôi chuyển lên TPHCM. Tuy nhiên, tôi không đi vì lo tuyến trên cũng thiếu máu, vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian di chuyển” - ông H cho biết.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông H cho hay, trước kia, ông là công nhân làm việc tại TPHCM. Tuy nhiên, sau khi phát hiện bản thân mình bị bệnh gan, vợ chồng ông về quê Trà Vinh sinh sống. Hằng ngày, ông làm vườn còn vợ ông thì nhặt phế liệu để mưu sinh.

Hiện tại, số tiền tích góp được không đủ để chi trả chi phí điều trị, bệnh viện cũng đang cho ông nợ viện phí, đồng thời liên hệ với các mạnh thường quân hỗ trợ trong lúc khó khăn này.

Đôi chân của ông H khi bị rắn cắn. Ảnh: Phong Linh

Theo bác sĩ chuyên khoa II Dương Thiện Phước, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân bị rắn lục cắn, biến chứng nguy hiểm nhất là gây rối loạn đông máu. Bên cạnh việc sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn để điều trị chuyên biệt thì việc truyền tiểu cầu (yếu tố tham gia vào quá trình đông, cầm máu) để phòng ngừa nguy cơ xuất huyết là rất quan trọng trong trường hợp số lượng tiểu cầu giảm nặng. Song, bệnh viện lại đang gặp khó khăn vì thiếu tiểu cầu.

“Đối với những ca như vậy, có trường hợp tiểu cầu tự phục hồi, nhưng cũng có những trường hợp không thể tự phục hồi; hoặc trong khoảng thời gian chờ bệnh lý phục hồi thì lại có nguy cơ chảy máu, khó cầm máu. Tôi rất hy vọng bệnh nhân H có thể phục hồi tiểu cầu trong quá trình chờ đợi” - bác sĩ Phước nói.

Chờ gần 3 tuần vẫn chưa được phẫu thuật

Tại Khoa Phẫu thuật Tim, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ hiện cũng đang ghi nhận trường hợp bệnh nhân chờ truyền tiểu cầu để mổ. Đó là ông P.V.Tr (SN 1967, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) bị hở van tim 4/4.

Ông Tr tâm sự: “Sức khỏe tôi yếu, chỉ làm vườn ở quê. Vợ tôi đã chăm sóc tôi 3 tuần nhưng vẫn chưa được mổ. Tôi rất mong muốn sớm có máu tiến hành mổ để mình mau khỏe, chứ mình nằm đây chờ quá lâu”.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Tr. Ảnh: Phong Linh

Bác sĩ Phạm Thị Kim Mỹ, Khoa Phẫu thuật Tim, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: “Đối với trường hợp cần mổ tim của ông P.V.Tr, trước đó chúng tôi đã liên hệ đặt được tiểu cầu và lên lịch mổ. Tuy nhiên, ngay thời điểm chuẩn bị thì bệnh viện lại cần đơn vị tiểu cầu đó để phục vụ cho bệnh nhân cấp cứu khác nghiêm trọng hơn, nên ông Tr phải tiếp tục đợi mổ. Đến nay bệnh nhân đã đợi gần 3 tuần nhưng chưa lên lịch mổ được do liên hệ tiểu cầu không có”.

Theo bác sĩ Mỹ, điều này gây khó khăn cho bệnh nhân và người nuôi bệnh rất nhiều vì thời gian nằm viện kéo dài, làm ảnh hưởng tới bệnh tình và làm tăng chi phí. Trong trường hợp bệnh nhân chuyển nặng, cần phải phẫu thuật sớm mà không liên hệ được tiểu cầu, bệnh viện bắt buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để được phẫu thuật kịp thời.

Trường hợp chuyển nặng, bệnh viện buộc chuyển bệnh nhân Tr lên tuyến trên để điều trị. Ảnh: Phong Linh

Trao đổi với Lao Động ngày 25.7, ông Lê Hoàng Phúc - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - cho biết, từ khi Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ gặp khó trong công tác mua sắm vật tư y tế, bệnh viện cũng gặp hệ lụy, đặc biệt là thiếu tiểu cầu để điều trị cho bệnh nhân. Có nhiều ca phải đề xuất đi tuyến trên để được chữa trị kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn