MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xót xa bệnh nhân nhiễm H bị cô độc, thương cảm thày thuốc bị hủy hôn

Sơn Tùng LDO | 19/04/2018 21:32

"Bệnh viện 09" nơi có rất nhiều người đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Song, đau đớn, xót xa hơn có lẽ là những bệnh nhân có H đến chết vẫn cô độc vì bị người thân ruồng rẫy, bỏ rơi. Bên họ, các y bác sĩ trở thành chỗ dựa duy nhất, chăm sóc họ đến giây phút cuối cùng và cũng chỉ những người khoác áo blouse tiễn biệt họ về thế giới bên kia.

“Sáng còn khỏe mạnh, chiều đã ra đi”

Trong suy nghĩ của nhiều người, HIV/AIDS có thể được chữa trị và thời gian sống của người bệnh được kéo dài song có thể ra đi bất cứ lúc nào. Với kinh nghiệm hơn 10 năm công tác tại Bệnh viện 09 – nơi tiếp nhận chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, bác sĩ Nguyễn Đức Thủy – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết: “tôi đã chứng kiến hàng trăm trường hợp sáng còn khỏe mạnh, chiều đã ra đi…”

Bác sĩ Nguyễn Đức Thủy – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu 

"Xót xa nhất chính là sự kỳ thị từ những người ruột thịt, từ chính các thành viên trong gia đình đối với người nhiễm HIV/AIDS. Nhiều bệnh nhân bị gia đình ruồng bỏ ngay từ khi biết tin họ bị bệnh. Có những trường hợp, trong giờ phút hấp hối mong ngóng được nhìn thấy cha mẹ, anh em lần cuối nhưng không thể. Đau đớn hơn, có người nhà bệnh nhân HIV/AIDS còn nói: “khi nào nó chết thì hãy thông báo”, các bác sĩ đau xót kể lại.

Nữ bệnh nhân duy nhất là bà N.T.P.Y (55 tuổi) phát hiện bị nhiễm bệnh cách đây hơn 10 ngày.

Hầu hết các bệnh nhân đang điều trị tại đây đều có liên quan đến ma túy. Đặc biệt tại phòng hồi sức cấp cứu có nữ bệnh nhân duy nhất là bà N.T.P.Y (55 tuổi) phát hiện bị nhiễm bệnh cách đây hơn 10 ngày. Bà Y. kể “Tôi bị ngất giữa đường và được mọi người đưa vào viện, sau khi các bác sĩ kiểm tra nói tôi bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn 3”. Bác sĩ Thủy, người điều trị trực tiếp cho biết nếu bệnh nhân không được đưa vào đây kịp thời thì trong một thời gian ngắn nữa bệnh nhân sẽ tử vong. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bà Y đã khả quan hơn rất nhiều.

Cho đến bây giờ, bà Y không nhớ rõ quê quán, nơi sinh chỉ lờ mờ nhớ về thời gian sống cùng gia đình dưới gầm cầu Long Biên. Do hoàn cảnh đưa đẩy năm 19 tuổi chị sa ngã vào con đường ma túy với người chồng đầu tiên. Suốt một thời gian dài từ năm 22 tuổi đến năm 47 tuổi  bà Y sống trong trại nhiều hơn sống ở nhà.

Nói đến đây, bà Y chảy nước mắt: “Người thân trong gia đình tôi cứ dần ra đi, để lại tôi một mình hàng ngày vất vưởng gầm cầu Long Biên. Dù đã cố sửa chữa lỗi lầm, làm lại cuộc đời nhưng có lẽ đấy là điều không thể đối với những người đã một lần tiếp xúc với ma túy...”

Bị hủy hôn vì chữa cho bệnh nhân HIV/AIDS

Chính các y bác sĩ tại đây đã làm cho bệnh viện này trở thành ngôi nhà thứ 2, thậm chí là duy nhất đối với nhiều bệnh nhân.

Thế nhưng chính những bác sĩ, nhân viên y tế ở Bệnh viện 09 lại luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Họ thậm chí bị bệnh nhân, người nhà dọa dẫm, hành hung. Đại đa số các bệnh nhân đến đây không một đồng xu dính túi. Mọi chi phí sinh hoạt và khám chữa bệnh đều được miễn phí. Nhiều trường hợp bệnh viện phải bỏ tiền để hỗ trợ cho bệnh nhân.

Với đặc thù công việc thường xuyên phải tiếp xúc với những bệnh nhân mang căn bệnh thế kỉ, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng hơn một nửa cán bộ ở đây là nữ. Điều dưỡng Bùi Thị Hiên chia sẻ “Sau 2 năm làm việc ở bệnh viện, tôi đã gạt bỏ được sự sợ hãi ban đầu đối với các bệnh nhân HIV/AIDS.”

Làm việc tại viện chuyên điều trị các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, nhiều các bộ, y bác sĩ phải chịu thiệt thòi, thậm chí…bị kỳ thị như người mắc bệnh. Chị Hiên kể, tài xế taxi từng từ chối chở chị về bệnh viện. Nhiều y tá, điều dưỡng gặp sóng gió tình cảm vì điều trị  cho các bệnh nhân mắc căn bệnh thế kỷ. Thậm chí, chị Hiên kể, chị đã bị hủy hôn khi gia đình chồng chưa cưới nghe tin chị làm việc tại đây.

Mong muốn chung của bệnh nhân HIV/AIDS và những y bác sĩ ở đây là xã hội hãy gạt bỏ những quan niệm nặng nề, sự miệt thị đối với người bệnh. Có như vậy người bệnh mới có quyết tâm “chiến đấu” với căn bệnh này để hòa nhập trở lại với cộng đồng và các thày thuốc có thêm sức mạnh để giành giật cuộc sống cho người bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn