MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thông tin xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn các chủng cũ khiến nhiều người lo lắng. Ảnh ghép: An An.

Xuất hiện tin giả biến thể COVID-19 mới gây tử vong cao hơn nhiều lần

AN AN LDO | 13/04/2023 15:19

Số ca COVID-19 vừa tăng lên, lập tức xuất hiện nhiều thông tin về tình hình dịch mà chẳng ai rõ thực hư độ chính xác.

Số ca COVID-19 vừa tăng, lập tức xuất hiện nhiều tin giả

Thông tin số ca mắc COVID-19 có xu hướng "leo dốc" đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Ngày 12.4, cả nước ghi nhận 261 ca mắc COVID-19 - con số cao nhất ghi nhận trong ngày kể tử đầu năm 2023 đến nay. Cũng từ đây, hàng loạt thông tin khuyến cáo về tình hình dịch được lan truyền trên mạng xã hội với nội dung giật gân. 

Đáng chú ý, theo phản ánh nhiều hội nhóm, trang liên lạc nội bộ của các khu chung cư đang xôn xao thông tin "xuất hiện biển thể COVID-19 Omicron mới với nhiều điểm khác biệt, gây tử vong mà không thể phát hiện; độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần và có tỷ lệ tử vong cao hơn". 

Lan truyền tin không căn cứ trong các hội nhóm. Ảnh: NVCC. 

Dưới góc độ chuyên môn, TS.BS Vũ Quốc Đạt - Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết trong giai đoạn từ tháng 3 đến nay có báo cáo về việc xuất hiện một biến thể phụ XBB.1.16 thuộc Omicron mới khiến số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ gia tăng.

Tuy nhiên, bác sĩ Vũ Quốc Đạt nhấn mạnh các báo cáo chỉ ra số ca bệnh nhân phải nhập viện cũng như tử vong thì chưa có sự gia tăng nào đáng kể so với những chủng chúng ta đã biết. Do đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện nay mới đặt chủng này là chủng cần được theo dõi.

"Mọi triệu chứng được báo cáo vẫn gần  với những chủng virus cũ. Hoàn toàn chưa có bằng chứng khẳng định là sự gia tăng về độc lực dẫn tới tăng số ca nặng hay số ca tử vong. Chúng ta càng không có đủ thông tin để khẳng định rằng tỉ lệ tử vong của chủng mới này tăng 5 lần so với chủng đang lưu hành" - bác sĩ Đạt nhận định. 

Thông tin này khiến nhiều phụ huynh và học sinh hoang mang. 

Ngoài những chia sẻ thất thiệt về tình hình dịch, trên một số diễn đàn mạng xã hội lan truyền thông tin "Hà Nội sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến khi số ca mắc COVID-19 tăng" gây hoang mang, hiểu lầm. 

Mới đây, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định thông tin này hoàn toàn không phải là phát ngôn của Sở.

Dưới góc độ y khoa, bác sĩ Vũ Quốc Đạt cho rằng hiện nay năng lực ứng phó của quốc gia đối với COVID-19 đã khác trước rất nhiều.

"Tôi nghĩ rằng trong ít nhất là 1 đến vài tháng tới, chúng ta sẽ không phải áp dụng lại biện pháp trong quá khứ như chuyển học trực tuyến. Kể cả xuất hiện ca bệnh ở quy mô trường học lớp học thì các đơn vị đào tạo họ có thể chủ động chuyển đổi phương án đào tạo cho một nhóm đối tượng nhỏ; nhóm đối tượng có nguy cơ cao" - bác sĩ Đạt phân tích. 

Không hoang mang trước tin đồn

Đáng chú ý những tin giả thường kèm theo khuyến cáo "Đừng để thông tin này cho riêng mình, hãy chia sẻ với gia đình và bạn bè của bạn". Điều này khiến thông tin thất thiệt có tốc độ lan truyền nhanh, diện rộng. 

Trước hiện tượng đó, bác sĩ Đạt cho rằng hiện nay COVID-19 tại Việt Nam đã đạt được độ bao phủ vaccine rất cao, nằm trong top đầu trên thế giới.

"Do đó về mặt khoa học thì chúng ta đã tạo được miễn dịch cộng đồng rất tốt. Tuy nhiên, miễn dịch cộng đồng đã suy giảm theo thời gian. Nhưng một điều khác biệt có thể rõ ràng nhận thấy, mặc dù làn sóng này xuất hiện nhưng xét về mức độ nặng cũng như nguy cơ gây tử vong cho cộng đồng thì thấp hơn rất nhiều so với các làn sóng trước đây" - bác sĩ Đạt nói. 

Điều quan trọng, trước bối cảnh có nhiều nguồn thông tin khác nhau cũng như thông tin không được kiểm chứng thì lời khuyên của chuyên gia là người dân nên theo dõi thông tin từ các cá nhân, tổ chức uy tín trên các trang chính thức cũng như tuyên bố chính thức của Bộ Y tế thay vì các trang tin thất thiệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn