MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đôi vợ chồng già vượt qua nghịch cảnh để nuôi con, cháu. Ảnh: NSX.

Hôn nhân 30 năm của vợ chồng mất con lớn, nuôi cháu nội và con út suy thận

DI PY LDO | 26/10/2023 12:19

"Thuận vợ thuận chồng" với chủ đề "Ánh sáng cùng đến" là chuyện của vợ chồng chú Lâm Tấn Phước và cô Bao Thu Sương. 30 năm hôn nhân của hai cô chú là những lần đối mặt với những sóng dữ của cuộc đời, nhưng hai vợ chồng vẫn một lòng bên cạnh nhau vượt qua khó khăn.

Ở thời dựng vợ gả chồng đều phải xem tuổi tác có hợp hay không mới đưa ra quyết định, gia đình của cô Sương không chấp nhận chú Phước vì cả hai kỵ tuổi, cả hai bị cấm gặp nhau trong suốt mấy tháng liền. Trong một vụ tai nạn khiến gương mặt của cô Sương bị biến dạng trầm trọng, chú Phước bỏ mặc lời cấm đoán mà đến nhà đưa thuốc, chăm sóc mỗi ngày. Tuy là được gặp nhau, nhưng trong hoàn cảnh đó, cả hai không dám nói nhau câu nào, chỉ lẳng lặng nhìn nhau rồi về.

Thấy con gái nhất quyết muốn cưới người đàn ông này làm chồng, ba mẹ cô Sương cũng đành chấp nhận. Qua lời chỉ dẫn của một người ‘thầy’, để tránh những rắc rối vì kết hôn kỵ tuổi, lễ cưới của cô Sương và chú Phước không được làm lễ lên đèn, cũng không được rước dâu. Thấy con gái chỉ một lần trong đời kết hôn, gia đình bỏ ngoài tai những lời chỉ dẫn mà vẫn làm đầy đủ lễ nghi trong ngày trọng đại, kể tới đây, giọng cô Sương trầm xuống, cô nói chắc có lẽ ngày xưa không làm đúng lời, nên cuộc đời cô sau này mới khổ.

Năm 1990, cô Sương và chú Phước kết hôn sau gần 3 năm gian khó, vừa sinh đứa con đầu lòng 11 tháng, cô Sương nhận hung tin ba ruột đột ngột ngột qua đời, cô rơi vào suy sụp. Phải mất một khoảng thời gian dài cô mới bình tâm trở lại, thì cô mang bầu đứa con thứ hai. Lúc này chú Phước phải mang gấp đôi gánh nặng kinh tế, từ những cuốc xe xích lô cọc cạch đến công việc phụ hồ vất vả, không việc gì mà chú không làm. Trong cơn khó khăn ấy, hai vợ chồng tích góp dành dụm cũng vừa đủ để mua một căn nhà nhỏ để che nắng che mưa. Gia đình cô Sương và chú Phước cũng đã nuôi xong 3 đứa con khôn lớn, thế nhưng ngôi nhà ấy chỉ đủ để đồng hành với cô chú được một thời gian ngắn, trước khi cơn bạo bệnh kéo tới lần lượt từng thành viên trong gia đình.

Con trai út của hai cô chú mắc bệnh thận giai đoạn cuối khi chỉ vừa tròn 19 tuổi, chú Phước sau thời gian làm cật lực, cơ thể cũng suy kiệt vì bệnh tiểu đường khiến người chỉ còn da bọc xương. Căn nhà vốn là tài sản quý giá duy nhất cũng phải bán đi để lấy tiền chữa bệnh, cả gia đình dọn ra một căn trọ để sống và chống chọi với bệnh tật.

Trụ cột chính của gia đình là chú Phước đã không còn sức để kiếm tiền, nhưng hóa đơn tiền chạy thận mỗi tháng cho con trai út vẫn phải đều đặn để duy trì mạng sống cho con. Người con trai kế ly thân vợ, anh phải sống cảnh gà trống nuôi con. Anh chăm chỉ kiếm tiền vừa nuôi con nhỏ, vừa trả tiền thuê nhà cho ba mẹ, vừa dành tiền để chạy thận cho em trai. Thế nhưng số phận lại đẩy cảnh ngặt nghèo vào bước đường cùng, mùng 1 Tết năm đó, anh mãi mãi ra đi sau cú đâm chí mạng của tên cướp máu lạnh. “Mùng 1 Tết gia đình đợi mãi không thấy con về, 11 giờ đêm công an phường mới gọi vợ chồng tôi lên rồi thông báo con tôi bị cướp đâm chết rồi, cả hai vợ chồng nghe hung tin liền xỉu tại chỗ. Họ đưa con tôi vào nhà xác An Bình, hẹn vợ chồng tôi 9 giờ sáng mới được gặp con”. Cô Sương bật khóc kể lại.

Hiện tại, niềm mong mỏi lớn nhất của gia đình cô Sương, chú Phước là có một quả thận mới để con trai út nhanh chóng hồi phục sức khỏe, thay anh trai nuôi đứa con thơ mồ côi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn