MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Long Nguyễn.

5 mạng người, đường “tử thần” và quả bóng trách nhiệm

Long Châu LDO | 25/10/2016 12:45
Hôm qua, 5 nạn nhân lại bỏ mạng, kéo dài thêm danh sách những người ra đi vĩnh viễn bởi những tai nạn giữa tàu hỏa và ôtô ngay trên đường ngang giao cắt. Hơn 5 năm trôi qua kể từ vụ 9 người chết thảm khốc trên xe đi ăn cưới với tai nạn tương tự, cũng ở Thường Tín (Hà Nội), mọi việc vẫn vậy. Vẫn là những đường ngang “tử thần” và trách nhiệm được chuyền như quả bóng…
Tôi vừa vội đếm trên Google, hàng chục tai nạn kinh hoàng với cả trăm người chết khi xe cố vượt tàu hoặc tàu chẳng nhìn thấy xe. Hầu hết đều là những vụ thương tâm, cực hiếm người trên xe thoát khỏi thần chết. Nhưng cũng đa số là “nghiêm khắc, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh…” và đâu lại vào đó để rồi thỉnh thoảng lại ầm ĩ lên vì tiếp tục những người vô tội bỏ mạng tức tưởi.

Vẫn là những đường cắt không rào, lại là có chắn nhưng chẳng có người canh gác và tệ hơn nữa tài xế cố nhanh vài giây để hàng chục gia đình tan nát nhiều năm… Trách nhiệm ban đầu thường gọi tên ngành đường sắt nhưng dần dần chạy vòng quanh sang CSGT, chính quyền, chủ xe, quay về tài xế, hay ý thức người dân... và trôi vào quên lãng. Những kế hoạch, đề án giảm thiểu tai nạn từ đường cắt hoặc ít hiệu quả hoặc chỉ nằm trên giấy hay ý tưởng. Chỉ đến khi nào có vụ tai nạn thảm thương như hôm qua mới lóe lên, rồi lại thôi. Vì chưa có tiền, vướng giải tỏa và đường cắt tự phát cứ mọc lên như nấm.

Chẳng lẽ lại bảo nhau trách nhiệm của toàn xã hội chứ riêng gì ai đâu nên xuề xòa cho qua và mặc cho tai nạn tái diễn? Với những gì đang diễn ra, tôi lo ngại rằng, những cái chết quá trẻ như hai cô gái trên chuyến xe định mệnh ở Thường Tín hôm qua sẽ còn tiếp tục. Dù muộn nhưng chẳng lẽ cứ đành lòng chấp nhận?!

Hôm qua, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Hà Nội cho hay: “Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Thường Tín có 175 đường ngang trong đó có tới 149 đường ngang được mở trái phép. Tại đường ngang nơi xảy ra vụ TNGT này, các doanh nghiệp đã thuê người gác chắn thời gian từ 7h sáng đến chiều tối. Vụ TNGT xảy ra trước thời điểm có người đến gác chắn đã gây ra hậu quả đau lòng”. 149 đường mở trái phép không ai quản lý nổi, ngành đường sắt đã chào thua, địa phương cũng chẳng quản xuể thì không có tai nạn mới lạ. Và đấy mới tính riêng Thường Tín, còn hàng ngàn chỗ khác nơi có tàu qua, ai đảm bảo tử thần không rình rập?

Có vẻ như thiếu một “nhạc trưởng” các bạn ạ! Nếu chỉ hô hào, thương xót bằng tiếng nói và mãi thiếu những phối hợp, giải pháp hiệu quả. Có lẽ cái chết của 5 người hôm qua chưa đủ để người ta tìm ra tiếng nói chung và ngăn ngừa những tai nạn thảm khốc khác trên những đường “tử thần” mang tên đường ngang giao cắt…

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn