MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bậc lên xuống lấn chiếm vỉa hè bị đập bỏ ngay để giải quyết thông thoáng lối đi cho người đi bộ-ảnh LĐO

Khi lãnh đạo quận xuống đường “giành” lại vỉa hè cho dân

TÚ NGUYÊN LDO | 15/02/2017 12:09
Vị Phó chủ tịch UBND quận 1, TPHCM đích thân xuống hiện trường cùng với lực lượng hùng hậu gồm Đội Quản lý trật tự đô thị, Cảnh sát trật tự cơ động, Cảnh sát giao thông, chỉ đạo quyết liệt việc tái lập trật tự vỉa hè chiều ngày 13.2 đang gây sự chú ý của dư luận.

Việc lấn chiếm lòng lề đường vì mục đích riêng của cá nhân xảy ra không phải mới, nó như một hiện tượng chợ tự phát, không chỉ diễn ra ở một phường, xã, quận, huyện, tỉnh thành nào. Đặc điểm thực trạng này là một hiệu ứng dây chuyền, không dẹp nơi này, nơi khác sẽ mọc tiếp theo và chính quyền cấp cơ sở phải luôn “mệt nhoài” vì phải năm lần bảy lượt hết thuyết phục đến vận động mà hiện trạng vẫn trơ trơ ra đó.

Hiệu quả quản lý nhà nước chính quyền cơ sở dường như phải dừng lại ở đây vì ngại va chạm với dân ở một góc độ đúng sai chưa rõ ràng, và người dân luôn giữ cái “lợi bất cập hại” trước góc nhìn thiếu tư duy “luật pháp” của họ.

Có thể nêu một ví dụ điển hình: Cơ quan chính quyền cơ sở khó thuyết phục, vận động khi người dân “có lý” (nhưng chưa chắc đã đúng) viện lý do nền nhà cao hơn mặt đường cả 40-50 cm, xe máy, xe con không thể vào được nếu như không có một cái bậc lên xuống thoai thoải lấn chiếm vỉa hè (?).

Những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội..., đất đai đắt hơn vàng, nhất là ở những quận trung tâm thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường dưới nhiều hình thức, cản trở lối đi người đi bộ là “chuyện thường ngày ở huyện”. Giải quyết việc này khó hay dễ, được hay không tùy thuộc rất nhiều vào chính quyền cơ sở, có phát hiện kịp thời và giải quyết dứt điểm hay không. Nó gần giống như giải quyết vấn nạn “chợ tự phát”, ban đầu chỉ là một vài người với vài bó rau, con cá…, nếu chính quyền cơ sở không thường xuyên kiểm tra trên địa bàn trách nhiệm sẽ không phát hiện kịp thời thì cách giải quyết vô cùng khó, tất nhiên phải cần sự hỗ trợ cấp cao hơn.

Việc lãnh đạo quận phải xuống tận hiện trường để giải quyết mà lẽ ra chính quyền cơ sở đã phải giải quyết dứt điểm từ lâu, mang lại hiệu quả  nhanh, gọn, dứt điểm và không có sự phản ứng trái chiều của dân bởi sự hiện diện của lực lượng hùng hậu “mũi nhọn thực thi luật pháp” và quan trong hơn hết là sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân.

Tuy nhiên, việc cấp trên phải làm thay cấp dưới, ngoài cái được ra, bộc lộ không ít bất cập.

Trước hết là sự quản lý yếu kém của chính quyền cơ sở, về lâu về dài có thể phát sinh trong dân cái nhìn thiếu tôn trọng những cơ quan chính quyền “gần sân cận cửa”, hệ quả là việc “khinh nhờn” sự quản lý nhà nước cấp cơ sở; nơi quyết định thành công phần lớn việc triển khai chủ trương chính sách nhà nước.

Bài toán tái lập trật tự vỉa hè, lòng lề đường xin được cường điệu một chút, cũng giống như tái cấu trúc lại nền nông nghiệp, khi thực hiện phải đối mặt và giải quyết đời sống dân sinh một bộ phận nông dân; tái cấu trúc lại doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả thì phải giải quyết đời sống cho một bộ phận công nhân, viên chức... Vấn đề đặt ra là cần một chủ trương đúng, đúng pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội, cần một quyết tâm cao, song song là việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở và coi đây như là một trong những công tác thường xuyên, không “đánh trống bỏ dùi”.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn