MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng gặp DN ngày 29.4 (ảnh minh họa)

Liệu có còn chính sách “sáng nắng, chiều mưa“?

Công Thắng LDO | 01/06/2016 11:21
“Tôi cam kết sẽ không có chuyện chính sách của Chính phủ ra theo kiểu “sáng nắng, chiều mưa” nên doanh nghiệp(DN) và doanh nhân cứ yên tân phát triển và hoạt động hiệu quả để phát triển đất nước”. Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp diễn ra ngày 29.4. 

Tại buổi gặp gỡ với cộng đồng DN ngày 29.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu với cộng đồng doanh nhân: DN được thực hiện kinh doanh tất cả các loại hình mà luật không cấm. Các cơ quan tuyệt đối không được thực hiện theo kiểu "sáng nắng chiều mưa" mà phải nhất quán. Theo đó, Nhà nước bảo vệ quyền kinh doanh chính đáng của DN, Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, tính tiên lượng của người kinh doanh, đừng “sáng nắng chiều mưa” về chính sách. 

Tại sao vấn đề “sáng nắng, chiều mưa” về chính sách lại được người đứng đầu Chính phủ nhắc đi nhắc lại như thế tại diễn đàn quan trọng này? 

Xin nhắc lại câu chuyện “sáng nắng, chiều mưa” về ban hành chính sách đã từng gây khốn đốn cho DN mà cho đến nay vẫn còn phải khắc phục. 

Việc xảy ra xảy ra vào ngày 12.5.2011, Bộ Công thương “bất ngờ” ban hành Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 26.6.2011(tức là chỉ 15 ngày sau khi ban hành). 

Theo đó, Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bắt buộc DN phải có “Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh” loại ô tô đó, hoặc hợp đồng là đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá theo quy định của pháp luật và “Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp”. Đây thực chất là loại giấy phép con mà cả 2 điều kiện này được xem là rất “khó” để DN thực hiện trong khoảng thời gian 15 ngày. 

Thực tế các hãng sản xuất ô tô nước ngoài thường chỉ chọn 1 nhà phân phối sản phẩm tại nước khác, vì vậy điều kiện “Giấy ủy quyền chính hãng” này đã “tước” đi quyền nhập khẩu ô tô của hàng chục DN kinh doanh nhập khẩu ô tô du lịch. Việc đột ngột ban hành chính sách nêu trên khiến hàng chục DN rơi vào tình huống “sự đã rồi” khi mà hàng đã đặt, tiền đã trả nhưng không được phép nhập khẩu. 

Còn quy định phải có “Giấy chứng nhận cơ sở bảo dưỡng” cũng không thể ngày một, ngày hai mà DN đáp ứng được. Bởi vậy, việc ban hành Thông tư 20/2011/TT-BCT đã làm xáo trộn thị trường ô tô Việt Nam, và hậu quả của việc ban hành chính sách “bất ngờ” nêu trên đã làm cho suốt hơn hơn 4 năm qua, Bộ Công Thương phải liên tục ban hành các văn bản gia hạn “mở cửa” cho các DN không phải là nhà phân phối chính thức của các hãng ô tô trên thế giới được nhập khẩu nốt số xe đã trót ký hợp đồng trước khi Thông tư 20/2011/TT-BCT có hiệu lực.

Còn thiệt hại về kinh tế của các DN chịu ảnh hưởng của thông tư “sáng nắng, chiều mưa” nêu trên là con số rất lớn,  và việc làm “tùy hứng” nêu trên còn làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn. 

Nhắc lại câu chuyện Thông tư 20/2011/TT-BCT để thấy quy định quản lý ban hành chính sách theo kiểu “sáng nắng, chiều mưa” đã gây hại cho DN và xã hội đến nhường nào, và Thủ tướng Chính phủ đã thấy được sự lo ngại của cộng đồng DN về sự thay đổi chính sách theo kiểu “tiền hậu bất nhất” nêu trên nên đã nhắc nhở các cơ quan quản lý nhà nước và cam kết với cộng đồng doanh nhân về việc bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách như đã nêu. 

Tại buổi họp báo chuyên đề (ngày 27.5) về Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 được ban hành từ ngày 16.5.2016, không thấy nội dung Nghị quyết nêu trên nhắc nhở đến việc không ban hành chính sách theo kiểu “sáng nắng, chiều mưa” để bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách để DN yên tâm đầu tư, kinh doanh lâu dài, PV Báo Lao Động đã đặt câu hỏi thắc mắc về điều này.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Lê Mạnh Hà đã cho biết: Đây là vấn đề lớn, đã được Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN đưa ra xem xét, nhưng chưa có giải pháp kịp thời. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo đã thống nhất việc thay đổi chính sách trong quá trình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP là vẫn có để hoàn thiện chính sách, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc chính sách mới chỉ được ban hành và thực hiện khi tạo điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn cho DN. 

Vậy là chuyện không ban hành chính sách theo kiểu “sáng nắng, chiều mưa” chưa được đưa vào Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, do đó nó có thể “phát tác” bất cứ lúc nào nếu không có sự quản lý và giám sát chặt chẽ. 

Mong lời cam kết trước báo chí của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN về việc chỉ ban hành các chính sách giúp DN hoạt động kinh doanh, sản xuất dễ dàng thuận lợi… sẽ được thực hiện để nỗi lo chính sách “sáng nắng, chiều mưa” không còn là điều ám ảnh công đồng doanh nhân như thời gian vừa qua.

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn