MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thành cổ Sơn Tây trong bộ ảnh của Wikimapia

Liệu đây có phải là cách để bảo tồn Thành cổ Sơn Tây?

Nguyễn Duy Xuân ​ LDO | 06/01/2017 14:00
Báo Lao động vừa cho biết thông tin về việc Thành cổ Sơn Tây - 1 trong 4 tòa thành nổi tiếng, tiêu biểu, đẹp nhất miền Bắc đã đi vào lịch sử, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia - đang được trùng tu theo kiểu "bê tông hóa", "nhốt" di tích trong lồng sắt.

Theo phản ánh của tác giả bài báo, một trong những hạng mục quan trọng nhất của Thành cổ Sơn Tây là "2 pho cổng thành mà người dân Sơn Tây vẫn gọi là cổng Tiền (Tiền Túc) đối diện ngã ba phố Quang Trung và cổng Hữu (Hữu Mỹ) đối diện Trường cấp 3 Sơn Tây vốn nổi tiếng bởi vẻ đẹp cổ kính với những cây cổ thụ mọc trùm lên ôm lấy di tích đã được trùng tu, được bọc xung quanh bởi một cái khung bằng sắt sơn màu giả gỗ". [1]

Bàn chuyện trùng tu Thành cổ Sơn Tây không thể không nhắc đến đợt trùng tu năm 1995, người ta đã thay thế cổng Hậu dù nó vẫn còn giữ được nguyên thủy như những năm 1883, 1884 và có một cây đa đẹp nhất khu thành cổ, bằng một cái cổng xây mới không phù hợp với không gian cổ xưa.

Về vẻ độc đáo của cái cổng này, Charles Edouard Hocquard đã mô tả lại trong hồi ký sau khi quân Pháp tấn công thành năm 1883 như sau: "... Với bức trán tường có những vành bằng tre, những phiến đá đen rêu phủ bị những mảnh pháo và những viên đạn rạch nát, cái cửa này có dáng oai nghiêm và dễ sợ của một người lính gác già bị tùng xẻo đến chết ở đây." [2]

Cổng Hữu hiện tại đã từng được người Pháp cho xây lại vì sau trận đánh thành Sơn Tây nói trên nó đã bị đại bác của quân Pháp phá hủy hoàn toàn.

Về việc trùng tu 2 cổng thành lần này, ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Ban Quản lý di tích (BQL DT) làng cổ Đường Lâm, đơn vị thực hiện trùng tu - cho biết: “Hiện nay đã làm xong rồi. Toàn bộ phần chống đỡ là không động chạm gì đến di tích, khi đánh giá hạ giải đã mới đại diện của Cục Di sản, Sở văn hóa về. Chúng tôi chỉ để chống đỡ cổng thành thôi. Không có cách nào khác, nếu cứ để thế là bị sập rồi - ông Sơn nói - Chúng tôi bảo tồn nguyên trạng những yếu tố gốc của di tích thì phải làm như vậy. Chuyện này đã được thỏa thuận của Bộ, Sở VHTTDL, mà có cả nghiên cứu của chuyên gia Nhật Bản, thậm chí chúng tôi tham khảo cả mô hình của Angkor wat, Angkor Thom người ta cũng làm như thế này. Chỉ có làm thế này mới không ảnh hưởng gì đến di tích". [3]

 Hạng mục chống đỡ cổng thành cổ được làm bằng sắt sơn giả gỗ nhưng vẫn không mang lại thẩm mỹ cao. Ảnh Đức Văn

Sự việc làm tôi nhớ đến hai di sản nổi tiếng, một là thánh địa Mỹ Sơn, hai là Ăng-ko Thom mà tôi đã có dịp tham quan vào mùa hè năm ngoái.

Tại thánh địa Mỹ Sơn, các tháp tháp F1, F2, B3 xuống cấp nghiêm trọng, bị nghiêng lún, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Trong khi chờ có dự án khả thi, BQL đã tiến hành chống đỡ cấp thiết bằng cách xây tường gia cố, ràng giữ bằng một hệ thống giằng thép vững chãi. Mới đầu, du khách cũng hơi ngỡ ngàng, nhưng nhìn cái tháp đang trong tình trạng sập sệ, thì hiểu ra đó là cách tốt nhất để giữ chúng lại trong khi chờ một giải pháp trùng tu hữu hiệu.

Tại Ăng-ko Thom, du khách vẫn bắt gặp những cột chống đỡ, những khung thép giằng ngang dọc cũng với mục đích là giữ chắc những chi tiết của di tích đang nằm trong nguy cơ đổ sập.

Thiết nghĩ đó là những giải pháp tình thế nhằm tạm thời giữ nguyên trạng di tích. Đối với việc "nhốt" hai cổng Thành Sơn Tây vào "lồng sắt" cũng vậy. Vấn đề là ở chỗ, xây dựng hệ thống chống đỡ làm sao để đừng tạo ra những cái "lồng sắt" thô thiển, gây phản cảm cho du khách.

Hai cổng Tiền và Hữu của Thành cổ Sơn Tây cũng như các tiểu di tích ở Mỹ Sơn, Angkor Thom đều thuộc nhóm bảo quản cấp thiết: Di tích đang ở trong tình trạng bảo quản không tốt, có khả năng đe doạ sự toàn vẹn và hoàn chỉnh của nó, hoặc có nguy cơ bị biến dạng, sụp đổ nên phải áp dụng ngay các biện pháp bảo quản cấp thiết, phổ biến nhất là biện pháp gia cố, tạo hệ thống khung chống đỡ các cấu kiện chịu tải trong di tích.

Ngoài hai cổng thành, dự án trùng tu Thành cổ Sơn Tây lần này còn có hạng mục nâng cấp đường dạo quanh thành dù chưa được sự cho phép của Bộ VHTT&DL.

Con đường dạo quanh thành cổ được làm từ khoảng 20 năm về trước, lát gạch hình “zíc zắc”, rêu phong đã nhuốm màu nay lại được… bê tông hóa. Công nhân thi công cho biết: “Đường này có xuống cấp gì đâu, nhưng Nhà nước rót tiền vào thì cứ làm thôi”. [4] Được biết, kinh phí cho hạng mục này là hơn 8,3 tỉ đồng lấy từ ngân sách.

Lại nhớ năm 2010, Hà Nội tiến hành trùng tu, chống xuống cấp di tích Ô Quan Chưởng. Khi dự án thực hiện xong, dư luận ngỡ ngàng trước sự lột xác của di tích, từ việc thay gạch cổ bằng gạch mới cho đến việc quét sơn lòe loẹt khiến cho Ô Quan Chưởng không còn vẻ cổ kính của nó.

Thế cho nên, việc trùng tu tôn tạo di tích phải tuân thủ nghiêm ngặt qui tắc: Tôn trọng tính nguyên gốc, tính chân xác của di tích; đảm bảo các giá trị vốn có của nó: Giá trị lịch sử - văn hóa, giá trị khoa học, giá trị thẩm mĩ. Trong thực tế, không ít di tích lịch sử, văn hóa sau khi trùng tu đã trở thành những công trình "tân cổ giao duyên’’.

Với Thành cổ Sơn Tây cũng vậy, mong rằng giải pháp mà BQL Di tích này vừa thực hiện chỉ là giải pháp tình thế. Người dân Sơn Tây đau lòng lắm khi phải thổ lộ điều này: “Cứ thỉnh thoảng, họ lại “vẽ” ra cái gì đó để làm. Họ cứ nói là bảo tồn nhưng tôi chỉ thấy cái đẹp của thành cổ ngày càng bị mai một đi. Đường chưa hỏng đã bẩy gạch lên để làm lại, cổng thành thì bị “nhốt” lại trong “chuồng sắt”, trông nó phản cảm vô cùng." [5]

Liệu dự án trùng tu lần này có nằm trong cái sự "vẽ" theo cách nói của người dân hay không? 

Nguồn tham khảo:

[1,3,4,5]. http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/betong-hoa-thanh-co-nhot-di-tich-trong-cui-sat-627152.bld

[2]. https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_c%E1%BB%95_S%C6%A1n_T%C3%A2y

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn