MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Giang Huy

Xã hội hóa viết sách giáo khoa, tại sao không?

PHẠM NGỌC LUẬN LDO | 12/05/2017 10:27
Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng từ năm học 2018-2019. Dự thảo được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cho học sinh và đang lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Không để việc viết sách mang tính độc quyền

Theo dự thảo này, điểm thay đổi rõ rệt nhất so với chương trình hiện tại là giáo dục phổ thông 12 năm sẽ chia làm hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

Hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Chương trình giáo dục phổ thông sẽ được phát triển thường xuyên, bao gồm các khâu xây dựng chương trình, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện.

Từ thực tế này, nội dung chương trình sách giáo khoa mới cũng sẽ thay đổi toàn diện. Mặc dù trong dự thảo chưa đề cập lộ trình viết sách giáo khoa, tuy nhiên, để chương trình đổi mới giáo dục có hiệu quả thì ngay sau khi Dự thảo được Chính phủ phê duyệt, việc xã hội hóa công tác viết sách giáo khoa cần gấp rút được triển khai.

Trên thực tế, lâu nay, việc xã hội hóa viết sách tham khảo đã phát triển rất mạnh mẽ. Thậm chí vài  năm trở lại đây, rất nhiều học sinh phổ thông, thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy THPT cũng đã tự bỏ tiền túi ra viết sách tham khảo.

Tuy nhiên, việc xã hội hóa mới chỉ dừng lại ở sách tham khảo, còn việc viết sách giáo khoa lâu nay  thuộc quyền duy nhất từ phía Bộ GDĐT.

Để giải quyết khó khăn về vốn làm sách giáo khoa, quan điểm của Chính phủ cho rằng, làm sách giáo khoa là huy động sức mạnh của cộng đồng, không để việc làm sách mang tính độc quyền từ phía Bộ GDĐT.

Huy động xã hội hóa viết sách giáo khoa

Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo đổi mới giáo dục lần này là thực hiện đổi mới chương trình SGK theo định hướng phát triển năng lực học sinh đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc và phù hợp với đặc trưng của từng địa phương, chú trọng giáo dục đạo đức và các giá trị truyền thống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động, hướng nghiệp cho học sinh.

Chính vì vậy, nếu Bộ GDĐT vừa tham gia biên soạn sách giáo khoa, vừa là cơ quan thẩm định thì chắc chắn là khó đảm bảo tính khách quan. Mong muốn của mỗi người là con em chúng ta có một bộ SGK chuẩn, huy động được năng lực, trí tuệ, sáng tạo của các tổ chức cá nhân biên soạn. Thiết nghĩ, bên cạnh việc tiết kiệm một khoản lớn từ Ngân sách Nhà nước, Bộ GDĐT không nên tham gia biên soạn sách giáo khoa, mà chỉ thành lập bộ khung và huy động xã hội hóa viết sách giáo khoa, khuyến khích các thầy cô giáo đã và đang trực tiếp giảng dạy tham gia biên soạn và phản biện. Bộ chỉ việc thẩm định và chọn ra một bộ chuẩn để dạy và học. Bên cạnh bộ sách chuẩn này  là một vài bộ sách khác mang tính chất tham khảo, bổ trợ. Bộ mua bản quyền bộ sách giáo khoa chuẩn và ngân sách chỉ hổ trợ cho bộ sách giáo khoa bản quyền này.

Chủ trương xã hội hóa viết sách giáo khoa đã có; và chúng ta đang cần một lộ trình minh bạch, công bằng để huy động mọi nguồn lực tham gia viết sách giáo khoa, trong đó cần sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có năng lực. Hy vọng đây là mũi tên bắn trúng hai đích: Có một bộ sách giáo khoa chuẩn về mọi mặt, đồng thời tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn