MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2016, ngân sách sẽ dành 13.055 tỷ đồng chi thực hiện tinh giản biên chế và cải cách tiền lương. (ảnh minh họa)

Cải cách tiền lương để nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan hành chính nhà nước

Minh Đức LDO | 02/05/2016 14:22
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất của người lao động nói chung và đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (gọi tắt là cán bộ, công chức) trong các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng. Mức lương cơ bản được điều chỉnh phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của cán bộ, công chức. Bên cạnh những mặt tích cực của chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, vẫn có một số những tồn tại, hạn chế nhất định làm ảnh hưởng rất lớn đến việc cải cách nền công vụ ở nước ta.

Thứ nhất, mức lương hiện hành của cán bộ, công chức được tính theo ngạch, bậc phụ thuộc vào các chức danh được bổ nhiệm hoặc thời gian công tác, theo kiểu "đến hẹn lại lên", "tre già măng mọc" mà chưa quan tâm đến việc trả lương xứng đáng đối với cán bộ, công chức có trình độ, năng lực, làm được nhiều việc, chất lượng giải quyết công việc có hàm lượng chất xám cao... Đây là thực trạng có thực, mặc dù Nhà nước đề ra nhiều biện pháp để giải quyết nạn "cắp ô", nhưng vẫn chưa giải quyết được tình trạng nêu trên.

Thứ hai, người lao động làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân khác hoàn toàn so cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan nhà nước về mức độ, áp lực giải quyết công việc... Nếu như người lao động ở các doanh nghiệp họ làm rất nhiều việc, áp lực cao, nếu sai họ phải đối mặt với sa thải, nhẹ thì bị trừ lương, thưởng... và tất nhiên họ nhận được mức lương hoàn toàn xứng đáng với thành quả lao động. Tuy nhiên, đối với một bộ phận cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan nhà nước thì vẫn có tình trạng làm việc không đúng thời gian quy định, giải quyết công việc thì chiếu lệ, chất lượng không cao... nhưng ít khi bị sa thải hoặc trừ lương, thưởng.... Đây cũng chính là lý do tạo nên một sức ì rất lớn trong bộ máy hành chính nhà nước thời gian qua.

Thứ ba, ngoài mức lương hưởng định kỳ hàng tháng của cán bộ, công chức do cơ quan nhà nước chi trả, thì nhiều cơ quan vẫn có tình trạng cán bộ, công chức được hưởng thu nhập khác, có nghĩa là với một số công việc đặc thù được nhà nước giao thì vẫn được hưởng thu nhập khác hợp pháp hoặc một số vị trí công tác của cán bộ, công chức được hưởng khoản lợi ích bất chính trong việc giải quyết các thủ tục hành chính... dẫn đến phát sinh tình trạng "chạy chức", "chạy quyền", "chạy vị trí công tác" và các tiêu cực khác phát sinh, làm cho mức thu nhập mất bình đẳng giữa cán bộ, công chức ở từng vị trí khác nhau.

Do đó, việc khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên là việc làm cần thiết để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong các cơ quan hành chính nhà nước, thu hút nhân tài về làm việc... 

Để giải quyết vấn đề trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó cần chú trọng giải quyết bằng được vấn đề: 

Tăng lương cho tối thiểu để cho cán bộ, công chức sống được bằng lương, yên tâm công tác; trong đó, cần xây dựng quy chế đánh giá năng lực giải quyết công việc được giao của cán bộ, công chức để tăng lương, thưởng phù hợp. Khắc phục tình trạng tăng lương theo kiểu "đến hẹn lại lên", "tre già măng mọc" dẫn đến không công bằng đối với cán bộ, công chức trẻ, nhiệt huyết, làm được việc, không xảy ra tiêu cực, tham nhũng... 

Kiểm soát chặt chẽ thu nhập của cán bộ, công chức, hạn chế tình trạng trả thu nhập khác ngoài lương đối với các công việc đặc thù do nhà nước giao hoặc phát sinh những thu nhập bất chính khi giải quyết các thủ tục hành chính. 

Cần cơ chế kiểm soát chất lượng công việc, theo hướng làm việc nhiều thì được trả lương nhiều, làm ít thì trả lương ít; định kỳ lên lương theo bậc, nhưng có lên thì phải có xuống khi cán bộ, công chức không đáp ứng được vị trí việc làm, vi phạm kỷ luật hoặc có thể bị sa thải ngay tức khắc... Đồng thời, xóa bỏ cho được tư duy "cứ vào biên chế nhà nước là ổn định" của một bộ phận cán bộ, công chức và kể cả người dân.

Có như vậy, mới có thể khắc phục một trong những hạn chế, yếu kém của các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là giải quyết được nạn "cắp ô" của một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay. 

Minh Đức TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum 


 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn