MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ trái qua phải: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ

Dân kỳ vọng tuyên thệ, cam kết sẽ thành hiện thực

Diệp Văn Sơn LDO | 09/08/2016 13:11
 Phiên đầu tiên Quốc Hội khóa 14 diễn ra.Quốc Hội dành nhiều ngày để bầu các chức danh lãnh đạo cao cấp. Sau đấy Chủ tịch Quốc Hội đã thực hiện nghi thức tuyên thệ, cam kết. Tuyên thệ của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngắn gọn nhưng đã gây tiếng vang lớn,dấu ấn và sự kỳ vọng và đồng tình cao trong nhân dân. Kế tiếp những chức danh được Quốc Hội bầu đứng đầu ngành thư pháp hành pháp lần lượt thực hiện nghi thức thiêng liêng tuyên thệ, cam kết .

Nhớ lại khi thành lập Chính phủ kháng chiến năm 1946, Hồ Chủ tịch đã đọc lời tuyên thệ nhậm chức: "Trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ".

Theo quy định tại Hiến pháp mới 2013, đã khôi phục nghi thức tuyên thệ sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. 

Từ xa xưa dân tộc Việt Nam đã có việc tuyên thệ. Từ thời kỳ Hùng Vương người ta đã thấy di tích là những hòn đá thề để lại. Đến các thời đại phong kiến sau này trước mỗi dịp hệ trọng cũng diễn ra nghi thức tuyên thệ. Không chỉ người lên ngôi vua mà hằng năm vào một ngày nhất định, nghi thức này cũng diễn ra. Ví dụ những người chức vụ cao nhất trong triều đình đã tới núi Đồng Cổ (Hà Nội) để làm lễ thề anh em đoàn kết, chung sức đồng lòng để phục vụ đất nước.. 

Tuyên thệ là lời hứa, cam kết thiêng liêng của người được bầu giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước trước lá cờ Tổ quốc - lá cờ đã từng thấm máu đỏ của nhiều thế hệ, là hồn thiêng của núi sông; trước những người đã tín nhiệm bỏ phiếu bầu ra mình. Tuyên thệ cũng là giờ phút thiêng liêng của người lãnh trọng trách trước quốc gia, để người ấy không bao giờ được quên rằng họ đang "nặng nợ quốc gia", để luôn gắng gỏi làm tròn phận sự. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới trước nay người ta vẫn làm như thế.  

Thế nhưng nhiều thời gian sau trong đời sống chính trị của chúng ta điều này bị lãng quên ,hiện nay chỉ có trước khi gia nhập Đảng cộng sản người được kết nạp đọc lời thề trong buổi lễ kết nạp. Truyền thống tốt đẹp này được gìn giữ hơn tám mươi năm nay trong Đảng, nhưng với nhà nước hầu như bị lãng quên vì bị cho là hình thức không cần thiết! Đúng là nếu có tuyên thệ thì phải tuyên thệ bằng cả trái tim, khắc cốt ghi xương chứ làm theo kiểu “trả nợ quỷ thần” “hứa để qua truông” thì quả thật không cần thiết.           

Nhìn ra các quốc gia khác, các nguyên thủ khi nhận chừc điều có nghi thức tuyên thệ. Không chỉ ở cấp nguyên thủ mà ở các cấp thấp hơn đều có hình thức cam kết. Chế độ cam kết phục vụ cộng đồng của chính phủ và chính quyền các cấp là một việc mới trong lĩnh vực quản lý công cộng ở các nước, được hình thành từ thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Mục tiêu của nó là nâng cao trình độ phục vụ công cộng và mức độ hài lòng của công chúng đối với tổ chức công cộng thông qua sự giám sát của công chúng. Đó là một cơ chế hữu hiệu để nâng cao hiệu quả các tổ chức công cộng do chính phủ và các cấp chính quyền thành lập.

Mong rằng những lời tuyên thệ,cam kết sẽ trở thành hiện thực thông qua quá trình hoạt động của các nguyên thủ và tinh thần đó lan tóa đến toàn bộ hệ thống chính trị, chính quyền các cấp. Ở nước ta, thời gian qua nhiều địa phương, nhiều ngành cũng đã bắt đầu quan tâm đến sự hài lòng của nhân dân. Đã có hoạt động tiến hành lấy phiếu điều tra sự hài lòng của khách hàng (công dân) đối với hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan công quyền. Xem sự hài lòng của công dân là thước đo kết quả hoạt động của bộ máy chính quyền. 

Thiết nghĩ đã đến lúc thực hiện tuyên thệ  sự cam kết của các cơ quan công quyền, được sự giám sát của công chúng. Sự cam kết này phải đặt thành chế độ, được quy định có tính chất bắt buộc bằng một văn bản có giá trị pháp lý cao. Nhân dân sẽ ghi nhận lời tuyên thệ từ những nguyên thủ đến người đứng đầu các cơ quan các cấp và xem đấy là một trong những nội dung để thực hiện giám sát. 

Diệp Văn Sơn


 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn